Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan của các chương trình MTQG
EmailPrintAa
17:42 29/07/2022

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Hà Tĩnh là 748,969 tỷ đồng.

Sáng 29/7, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện các chương trình MTQG 6 tháng đầu và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban MTQT tỉnh Trần Nhật Tân chủ trì điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021-2025.

Trong 6 tháng đầu năm, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo xây dựng, ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách khung để thực hiện các chương trình MTQG (bao gồm: chương trình MTQG xây dựng nông thôn; chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025).

Đồng thời, các thành viên cũng tích cực chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG. Đến thời điểm này, 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Quyết định kiện toàn hoặc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban MTQT tỉnh Trần Nhật Tân chủ trì điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG.

Trong đó, 92.057,861 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được giao, chiếm 92,06% tổng vốn cho các địa phương; giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 là 34.049 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG (vốn đầu tư phát triển là 24.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 10.049 tỷ đồng).

Số vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 và vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại đang được tổng hợp và báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8. Hiện nay, 27/52 địa phương (nhận ngân sách phân bổ từ trung ương) đã trình Hội đồng Nhân dân thông qua Nghị quyết phân bổ vốn ngân sách trung ương, trong đó, đã có 13 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn.

Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan gắn với chức năng, nhiệm vụ để thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Sau khi có quyết định phân bổ kế hoạch phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời giao cơ quan chuyên môn tham mưu, trình BCH Đảng bộ tỉnh ngày 13/7 và đang tiếp tục thực hiện các bước giải ngân tiếp theo. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Hà Tĩnh là 748,969 tỷ đồng. Trong đó, sách trung ương phân bổ cho tỉnh trong năm 2022 là 289,675 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí trực tiếp thực hiện các chương trình năm 2022 là 58,318 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các các chương trình MTQG theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm và chưa được ban hành đồng bộ, kịp thời đã ảnh hưởng đến công tác triển khai, tổ chức thực hiện chương trình nhất là tiến độ phân bổ vốn và giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, năm 2022.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình MTQG, trọng tâm là việc chậm phân bổ vốn thực hiện làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; một số bộ chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình dẫn đến các địa phương lúng túng, khó khăn trong triển khai…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Hà Tĩnh Trần Nhật Tân trao đổi về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn của 3 chương trình MTQG.

Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình MTQG như: sớm ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, cơ quan để tổ chức thực hiện 3 chương trình MTQG; bổ sung vốn sự nghiệp để thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tập trung phân bổ, giao vốn ngân sách trung ương theo Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG Phạm Bình Minh đánh giá cao khối lượng công việc lớn mà các bộ, ngành, địa phương đã tập trung giải quyết, thực hiện để xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, triển khai và đưa vào thực tiễn các 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình thực hiện vẫn còn một số điểm hạn chế cần phải sớm giải quyết dứt điểm như: một số bộ chậm hoặc chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong từng chương trình; nhiều tỉnh chưa thông qua được Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh để phân bổ nguồn vốn thực hiện trong năm 2022.

Vì vậy, đề nghị Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan khác có trách nhiệm rà soát những kiến nghị của các địa phương, khẩn trương hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý liên quan như thông tư, văn bản hướng dẫn... của các chương trình MTQG trước 15/8.

Về triển khai nguồn ngân sách đã được phân bổ, các tỉnh đã được phân bổ nguồn ngân sách cho 3 chương trình MTQG thì phải nhập cuộc để triển khai ngay, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp để phấn đấu giải ngân nguồn vốn hết trong năm 2022. Từ đó, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT có trách nhiệm theo dõi để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị xem xét lại các kiến nghị, vướng mắc của các địa phương liên quan đến Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới để triển khai phù hợp, đúng quy trình ở cấp cơ sở.

Nguồn: Thái Oanh/baohatinh.vn

( https://baohatinh.vn/chinh-tri/hoan-thien-he-thong-van-ban-phap-ly-lien-quan-cua-cac-chuong-trinh-mtqg/235411.htm )


    Ý kiến bạn đọc