Tham dự và có ý kiến chỉ đạo tại những sự kiện, hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông, giáo dục, văn hóa, đối ngoại… là những hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua (từ 9 - 16/2).
* Ngày 15/2, tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh khởi công Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, công trình cầu, đường vượt biển dài nhất Việt Nam và cũng là một trong những công trình cầu, đường vượt biển dài nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại.
Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện khi hoàn thành sẽ kết nối cảng Lạch Huyện với các khu vực đang phát triển tại phía Đông thành phố Hải Phòng, KCN Đình Vũ và đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà cho cả khu vực Bắc Bộ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực, áp dụng các công nghệ tiên tiến triển khai thực hiện dự án, đảm bảo cho dự án hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả của dự án.
Phối cảnh đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Ảnh: Báo Hải Phòng
* Tại Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là sự thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Di sản Văn hóa này không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của nhân dân Việt Nam mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời, đây là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa nhân loại.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành, các nghệ sĩ, nghệ nhân cùng đồng bào ta, nhất là các địa phương quê hương của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, với tất cả tình cảm và trách nhiệm, hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang đậm tính dân gian vừa mang tính bác học - luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra chất lượng sản phẩm alumin.. Ảnh: VGP
* Ngày 11/2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, kiểm tra và đánh giá tình hình hoạt động của Tổ hợp Bauxite-nhôm Lâm Đồng, Nhà máy Alumin Tân Rai, Dự án Alumin Nhân Cơ.
Trực tiếp xem xét công tác thi công, quy trình vận hành tại Nhà máy cũng như kết quả, chất lượng sản phẩm và ghi nhận những kết quả của các dự án với những tấn sản phẩm đầu tiên có chất lượng, tiêu chuẩn đạt yêu cầu, đảm bảo đầu ra ổn định, không khó khăn trong tiêu thụ theo giá thị trường quốc tế, Phó Thủ tướng lưu ý đây mới là kết quả bước đầu, trong quá trình triển khai sẽ còn gặp nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi chủ đầu tư cần tập trung vào việc làm chủ công nghệ, tìm giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng cao hiệu quả của Dự án. “An toàn môi trường, hiệu quả để có thể cổ phần hóa dự án, tạo đà thuận lợi thu hút nguồn lực phát triển ngành công nghiệp nhôm này ở quy mô hơn nữa”, Phó Thủ tướng nêu rõ yêu cầu như vậy.
* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Tây Ninh về tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển KTXH trên địa bàn, dự Lễ công bố thành lập Thành phố Tây Ninh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý tỉnh tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 01 của Chính phủ về phát triển KTXH, đồng thời, tập trung phát huy lợi thế tiềm năng về vị trí địa lý, của tỉnh biên giới, gần với các trung tâm kinh tế và vùng KTTĐ của Tây Ninh. Tiếp tục thu hút đầu tư và đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của chính quyền là chia sẻ, quan tâm hỗ trợ DN trong thủ tục, trong tiếp cận vốn với ngân hàng, trong liên kết sản xuất, kinh doanh.
* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo khẩn trương triển khai lưới điện thông minh tại Việt Nam theo diện rộng nhằm nâng cao chất lượng điện năng, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình trên diện rộng, đồng bộ ở tất cả các khâu trong Đề án tổng thể. Đối với mỗi nhiệm vụ, cần lên kết hoạch chi tiết và tiêu chí hóa, đánh giá thường xuyên để có giải pháp hoặc đề xuất cơ chế phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Ảnh: VGP
* Làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu nhận định rõ vị trí của loại hình vận tải đường sắt trong tương quan so sánh với các loại hình vận tải khác là đường bộ, đường thủy và đường hàng không để Nhà nước có căn cứ đầu tư hay bổ sung cơ chế chính sách cho ngành Đường sắt phát triển hơn nữa.
Cho rằng nhu cầu phát triển của ngành Đường sắt so với các loại hình vận tải khác là cần thiết và chính xác nhưng cái khó của ngành là vốn đầu tư ban đầu rất lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu trong định hướng phát triển ngành cần phân định cơ cấu vận tải để xác định vấn đề cần đầu tư; Tổng công ty phải thực hiện toàn diện, tập trung vào xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực quản trị, xác định rõ các ngành nghề cần cổ phần hóa, chỉ nắm giữ 100% vốn ở lĩnh vực quan trọng…
* Chủ trì cuộc họp về dự án luật quy định việc đầu tư và quản lý vốn Nhà nước khi đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, giải trình bổ sung việc doanh nghiệp sử dụng vốn vay Nhà nước để đầu tư, kinh doanh, đồng thời làm rõ phạm vi của vốn Nhà nước để có đầy đủ các quy định điều chỉnh.
Trong tổng thể các dự án luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh mà Chính phủ đang soạn thảo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát dự án Luật này với các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Sử dụng ngân sách Nhà nước để tránh chồng chéo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đổi mới thi cử là khâu đột phá nên cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, căn cơ, nếu không thì những khâu sau rất khó triển khai. Ảnh: VGP. Anh: VGP
* Tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013-2014 của Bộ GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cần phải bám sát 3 mục tiêu chính: Dạy người, dạy kiến thức, hướng nghiệp, vốn đã được đặt ra từ những lần cải cách giáo dục đầu tiên. Vì vậy, đổi mới giáo dục không có nghĩa là xóa sạch tất cả mà cần khơi dậy, duy trì, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ “Tiên học lễ, hậu học văn” cho đến những điều mà Bác Hồ dạy học sinh, những nền nếp sinh hoạt tốt đẹp trong nhà trường.
Về phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Phó Thủ tướng cho rằng việc Bộ GDĐT chọn đột phá đổi mới từ thi cử sẽ tạo xung lực mạnh, lan tỏa để đổi mới các khâu khác (chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đào tạo giáo viên). Đây là khâu đột phá nên cần phải bàn bạc kỹ lưỡng, căn cơ để tạo đà thuận lợi cho những khâu sau.
Về phương án miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh vốn nhận được nhiều phản hồi từ lãnh đạo các Sở GDĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức bình thường, nhẹ nhàng, 98% học sinh đỗ tốt nghiệp thì tại sao phải miễn; thậm chí là không nên miễn cho bất kỳ học sinh nào. Chỉ những học sinh học tốt nhưng gặp trường hợp bất khả kháng không thể tham dự kỳ thi thì chúng ta sẽ lập hội đồng xem xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh đó.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) ký và trao đổi Biên bản Thỏa thuận của Kỳ họp thứ 13 với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong. Ảnh: TTXVN
* Trong các ngày từ 10-11/2, tại Campuchia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đồng chủ trì kỳ họp thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
Hai bên đã tập trung rà soát việc triển khai các thỏa thuận hợp tác của Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia và hài lòng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước đang ngày càng phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Hai bên đã trao đổi và thỏa thuận về phương hướng và các biện pháp tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, đẩy mạnh hợp tác giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp phép và sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác mới để phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2015.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, dầu khí, lao động, y tế... và triển khai kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, tài chính, ngân hàng và du lịch như thỏa thuận của Thủ tướng Chính phủ hai nước./.
Tin mới cập nhật
- Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương triển khai các quyết định về công tác cán bộ ( 10/02)
- Hà Tĩnh hưởng ứng cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ( 07/02)
- Quyết liệt, khẩn trương hơn nữa trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 ( 07/02)
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9 ( 06/02)
- Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ( 06/02)
- Báo chí phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc ( 05/02)