Hoạt động đối ngoại nổi bật tháng 3
EmailPrintAa
09:32 07/04/2014

Tăng cường quan hệ song phương với Nhật Bản, Cuba, Haiti, phát huy vai trò tích cực tại các diễn đàn đa phương, tận dụng mọi cơ hội từ các hoạt động đa phương để thúc đẩy quan hệ song phương, xử lý những vấn đề quốc tế mang tính nhân đạo, đóng góp tích cực của ngoại giao nghị viện là những nét nổi bật trong đối ngoại tháng 3.

Nâng tầm quan hệ song phương 

Hoạt động ngoại giao tháng 3 đánh dấu thành công mới về quan hệ ngoại giao song phương với Nhật Bản, Cuba, Haiti.

Nửa cuối tháng 3 chứng kiến các hoạt  động ngoại giao song phương vô cùng sôi động. Mở đầu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và  phu nhân có chuyến thăm thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu từ ngày 16-19/3.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước lần đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên cương vị Chủ tịch nước và là chuyến thăm Nhật Bản cấp Nhà nước lần thứ hai của Chủ tịch nước Việt Nam tới đất nước Mặt trời mọc trong hơn 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhân dịp này, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ đối ngoại lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đánh giá Nhật Bản là "đối tác hàng đầu và quan trọng nhất đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam."

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ  tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, truyền đạt thông điệp khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai dân tộc, nêu bật những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực và những xu thế lớn của thời đại. Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được Quốc hội Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao với nhiều lần vỗ tay, để lại ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ trong chính giới Nhật Bản.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Cuba Raul Castro Ruz duyệt đội danh dự.

Trong những ngày cuối tháng ba, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Cộng hòa Cuba (26-28/3) và Cộng hòa Haiti (28-29/3) theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Raul Castro Ruz và Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe.

Trong thời gian thăm chính thức Cuba, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và  các nhà lãnh đạo Cuba đã trao đổi các biện pháp lớn nhằm tiếp tục củng cố quan hệ bạn bè truyền thống đặc biệt Việt Nam-Cuba; nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đưa quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới.

Chuyến công du chính thức tới nước Cộng hòa Haiti của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Haiti. Hai bên cam kết sớm thành lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại và Đầu tư giữa hai nước; phát triển và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như viễn thông, nông nghiệp, dược phẩm, an ninh lương thực, năng lượng, xây dựng, thương mại.

Trong tháng ba, Việt Nam cũng hân hạnh tiếp đón Thái tử Na Uy Haakon Magnus và Công nương Mette Marit thăm chính thức ngày 18-20/3. 

Hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Na Uy trong những năm qua, đặc biệt về chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo và văn hóa; nhất trí duy trì trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, nhất là tại Liên Hợp Quốc, ASEAN, ASEM.

Cũng trong tháng 3 đã diễn ra một số sự kiện đáng chú ý  khác như tham khảo chính trị lần thứ 6 giữa Việt Nam và Argentina (23-26/3), tham vấn chính trị cấp thứ trưởng Việt Nam-EU lần thứ ba (25/3), Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Belarus Vladimir Makei thăm Việt Nam (23-25/3) và Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully có chuyến công du tới nước ta (26/3).

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan

Điểm nhấn ngoại giao đa phương

Tháng 3 chứng kiến thành tựu ngoại giao đa phương tiêu biểu như sự kiện Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3 tại La Hay, Hà Lan từ ngày 24-25/3.

Phát biểu trước 54 nhà lãnh đạo bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới tại diễn đàn đa phương cấp cao nhất về an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định cam kết Việt Nam tiếp tục nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu, nhất là trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014.

Bên lề Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã tiến hành 20 cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ B. Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Manuel Barroso, Tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long...

Thủ tướng và các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định quan điểm đối với nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương như trao đổi, tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc; đàm phán TPP với Hoa Kỳ; đàm phán FTA với Hàn Quốc; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và phòng chống tiêu cực trong các dự án ODA do Nhật Bản tài trợ; Đức, Singapore ủng hộ quan điểm giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông; Singapore tiếp tục triển khai mô các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore…

Đặc biệt, trong nửa đầu tháng ba, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần trách nhiệm quốc tế cao trước một vụ việc mang tính nhân đạo khi huy động một lực lượng cứu nạn lớn nhất từ trước đến nay tích cực tìm kiếm máy bay mất tích ngày 8/3 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Ngay chiều cùng ngày xảy ra sự cố máy bay mất tích, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm khẩn với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Dato Sri Anifah Hj Aman. Ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak, khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Malaysia và các bên liên quan, sẵn sàng đóng góp vào việc tìm kiếm máy bay mất tích trong phạm vi khả năng của mình. 

Trước đó, ngày 13/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Tổng Thư ký Pháp ngữ Abdou Diouf trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông Tổng Thư ký tại Việt Nam. 

Hai bên đã thảo luận những vấn đề chính trị và hợp tác lớn của Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt là việc chuẩn bị Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 15 tại Dakar (Senegal) tháng 11/2014, vấn đề đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, việc huy động các nguồn lực cần thiết nhằm phát triển hài hòa các hoạt động hợp tác Pháp ngữ trên cả bốn lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 130 tại Geneva, Thụy Sĩ

Ngoại giao nghị viện tích cực

Vào trung tuần tháng 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 130 tại Geneva, Thụy Sĩ theo lời mời của Chủ tịch IPU Abdel Wahad Radi.

Tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU 130, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có bài tham luận khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam là luôn tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề hòa bình, dân chủ; nhận được sự hưởng ứng và đánh giá cao của các đại biểu.

Đoàn Việt Nam đã đề xuất đến IPUchủ đề cho kỳ Đại hội đồng IPU 132 tại Việt Nam là "Nghị viện và việc thực hiện Chương trình phát triển bền vững sau 2015" và nhận được sự đồng thuận của IPU.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đã thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Liên bang Thụy Sĩ Ruedi Lustenberger và thăm chính thức Cộng hòa Italy theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Italy Laura Boldrini. Các hoạt động trên góp phần thắt chặt quan hệ nghị viện giữa Việt Nam với hai nước châu Âu.

Trước đó, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chiều 1/3, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia, ông Sidarto Danusubroto dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Hiệp thương Nhân dân nước Cộng hòa Indonesia tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Những hoạt động đối ngoại thành công trong tháng 3 đã góp phần củng cố, tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam với rất nhiều quốc gia và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế./.


    Ý kiến bạn đọc