Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ký “Thỏa thuận Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực”. Ảnh: VGP
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đã thăm chính thức Việt Nam trong các ngày 16-17/6.
Tại hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan, coi đây là sự kiện quan trọng, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực.
Hai Thủ tướng đã thông báo cho nhau tình hình của mỗi nước, trao đổi và thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới trong các lĩnh vực quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, hợp tác giữa các địa phương.
Hai Thủ tướng đã trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đề cập việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Thủ tướng Hà Lan chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông; khẳng định Hà Lan đồng quan điểm với Tuyên bố của EU và Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN và cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP
Ngày 17/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã đồng chủ trì Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biển đổi khí hậu và quản lý giữa hai nước, Việt Nam đánh giá cao việc Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện Nghiên cứu “Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long”. Kết quả nghiên cứu cùng với các khuyến nghị là cơ sở để Việt Nam xem xét rà soát, điều chỉnh định hướng, kế hoạch phát triển của khu vực có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng này.
* Trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhân dịp sang Việt Nam tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, luôn coi trọng việc giữ gìn, tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển giữa Việt Nam - Trung Quốc. Đặc biệt là, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối năm 2013, hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước và đã nhất trí thành lập 3 Nhóm công tác về hợp tác cơ sở hạ tầng, tài chính tiền tệ và bàn bạc hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã nhất trí trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề tranh chấp bất đồng trên biển, hai bên cần cùng nhau kiểm soát tình hình, không có hành động mở rộng tranh chấp, nếu có vấn đề nảy sinh thì cùng nhau xử lý kịp thời, thỏa đáng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến sự hợp tác phát triển giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì - Ảnh: VGP |
Về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải dương 981 nằm sâu trong vùng biển của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam đã được nêu trong các cuộc tiếp xúc các cấp của hai bên thời gian qua. Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần kiểm soát tình hình, không để xảy ra xung đột; tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết tranh chấp bất đồng hiện nay. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về ý kiến của Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì liên quan đến tình hình an ninh an toàn đối với các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Vừa qua tại một số địa phương của Việt Nam, lợi dụng các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, một số người đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc. Khẳng định đây là sự việc đáng tiếc ngoài mong muốn, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết ngăn chặn, nhanh chóng ổn định tình hình, xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật và có các biện pháp hỗ trợ giúp đỡ kịp thời. Tất cả các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất kinh doanh bình thường.
Xuất phát từ lợi ích chung của hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác hiện có trên các lĩnh vực; sớm tổ chức phiên họp lần thứ 7 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương để trao đổi những biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch...
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì- Ảnh: VGP |
* Ngày 18/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tiến hành cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam- Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà cả hai nước đều là thành viên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, kiểm soát tình hình không để xảy ra xung đột, đàm phán giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay cũng như các bất đồng khác giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam; nhất trí hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy các mặt hợp tác giữa hai nước có những bước phát triển sâu rộng và thực chất hơn nữa, đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.
* Chủ trì cuộc họp Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào nhằm kiểm điểm công tác hợp tác đầu tư, thương mại, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực với nước bạn Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng tốt đẹp, do đó việc hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp với Lào phải góp phần thúc đẩy mạnh hơn quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần chấn chỉnh hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp sang Lào, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm luật pháp của Lào, làm tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương và cam kết về đầu tư, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, góp phần giúp Lào phát triển KT-XH.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm ANTT. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị về công tác bảo đảm an ninh, trật tự các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn đến đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là địa bàn còn nhiều khó khăn như các tỉnh vùng Tây Bắc. Đến nay nhiều chính sách an sinh xã hội đã được quan tâm, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bức tranh phát triển kinh tế-xã hội tại các thôn, bản đang từng bước thay đổi, đồng bào các dân tộc tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, đang góp sức xây dựng quê hương thôn, bản ngày càng giàu đẹp.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống đồng bào các dân tộc trong vùng, đặc biệt là đời sống văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả đến các tầng lớp nhân dân về những luận điệu sai trái của các đối tượng cực đoan, vi phạm pháp luật, kích động nhân dân chống phá đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vấn đề quản lý phân bón- mặt hàng có vai trò quan trọng trong bài toán an ninh năng lượng quốc gia- Ảnh: VGP
* Chủ trì Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định 202/NĐ-CP về quản lý phân bón và chiến lược phát triển nông thôn bền vững, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ những bất cập trong việc quản lý, cân đối cung cầu thị trường phân bón hiện nay. Đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh, nhập lậu phân bón giả, phân bón kém chất lượng, “nhập nhằng” trong chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm gây thiệt hại cho nông dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, hiệp hội hữu trách khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định 202 để có các tiêu chuẩn kỹ thuật đầy đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vừa đảm bảo ổn định sản xuất, quản lý chất lượng phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
*Tại lễ khánh thành luồng vận tải Soài Rạp (giai đoạn II), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, gần hơn với biển, phát triển hướng mạnh hơn ra biển. Yêu cầu các đơn vị tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối để phát huy hiệu quả dự án, thúc đẩy chủ trương di dời cảng khỏi nội đô TP.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng - Ảnh: VGP |
Trong buổi làm việc tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặt ra nhiệm vụ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, giữ vững các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương trong bối cảnh Biển Đông có nhiều “sóng gió”.
Đà Nẵng có thể dùng cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất, đồng ý cấp nốt số tiền 11 tỷ đồng còn lại từ nguồn bổ sung trái phiếu xây dựng nông thôn mới của Thành phố từ nay tới 2016 với điều kiện Đà Nẵng phải hoàn thành xây dựng các tiêu chí xã nông thôn mới vào hết năm 2015.
* Trong dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, của các Phó Thủ tướng đã gửi hoa chúc mừng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo, khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Báo chí đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, không chỉ phản ánh hoạt động mà còn có tiếng nói để toàn xã hội đồng thuận, cùng thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dưới sự điều hành của Chính phủ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan báo chí, những người làm báo nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đánh giá rất cao đóng góp của báo chí trong thời gian qua và mong muốn báo chí sát cánh cùng Đảng, Chính phủ, nhân dân, cổ vũ nêu gương tốt trong cuộc sống, trong sản xuất cũng như công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Ảnh: VGP |
Dự buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí, kỷ niệm 2 năm chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan báo chí, những người làm báo. Chính phủ đánh giá rất cao đóng góp của báo chí trong thời gian vừa qua và mong muốn báo chí sát cánh cùng Đảng, Chính phủ, nhân dân, cổ vũ nêu gương tốt trong cuộc sống hằng ngày, trong làm ăn kinh tế đến bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc. Đồng thời, đấu tranh với tất cả những tiêu cực, cái xấu trên tinh thần tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật, hạn chế những thứ mang danh sự thật nhưng không phải là sự thật.
TT CNTT (Nguồn: Chinhphu.vn)
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)