Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần
EmailPrintAa
09:42 18/08/2014

Đôn đốc các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, tạo đột phá về môi trường kinh doanh; chỉ đạo trong vấn đề đối ngoại, chính sách phát triển thủy sản, giáo dục đại học, cao đẳng... là những hoạt động nổi bật của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trong tuần qua.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

* Chủ trì Hội nghị "Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương. Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.

Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là của Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết”; “Giai đoạn 10-20 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với Việt Nam khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào năm 2015, cùng với đó là việc nước ta tham gia các liên kết kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời hoàn tất nhiều cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào 2015-2020”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị triển khai phương hướng hoạt động đối ngoại đa phương trong thời gian tới cần chuyển mạnh từ tư duy “gia nhập và tham gia” sang “chủ động đóng góp, khởi xướng và tích cực tham gia định hình”, tăng cường cách tiếp cận đa ngành, chú trọng nội hàm phát triển bền vững.

* Làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là ngăn ngừa kẽ hở, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất đai.

Cụ thể, Bộ phải công bố các thủ tục hành chính về đất đai ngay trong tháng 9 tới; công bố các thủ tục hành chính về đất đai theo qui định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản qui định chi tiết thi hành Luật để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định pháp luật.  
 
* Làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành xây dựng phải cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trong năm 2015.

 “Nhìn tổng thể thời gian cấp phép còn quá dài, còn chậm so với yêu cầu, so với khả năng của chúng ta, thủ tục còn nhiều quá, còn phiền hà, còn nhiều kẽ hở, trong khi tốc độ, thời gian chính là sức mạnh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ý kiến xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội theo hướng không điều chỉnh quy mô tổng thể của dự án, song phải phải rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh thích hợp trong nội khu của dự án.

Trong tháng 8 phải rà soát, tính toán nguồn, bổ sung vốn theo từng năm cho đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án với tinh thần là tiết kiệm, bố trí vốn ưu tiên nhất, quyết tâm thực hiện cho được công tác di dân, tái định cư của dự án.

* Nói chuyện thân mật với các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trong buổi Gặp mặt nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn lực lượng Công an nhân dân phải phát huy truyền thống tốt đẹp, những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, bảo đảm an ninh chính trị của đất nước; dứt khoát không để nhen nhóm hình thành tổ chức phản động chống phá Tổ quốc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

* Chủ trì Hội nghị về dân di cư tự do, bố trí dân cư ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư tự do và giải pháp căn cơ để khắc phục; phải đề ra chiến lược lâu dài, quản lý địa bàn chặt chẽ, tránh tình trạng “đi không hay, đến không biết”...

Các địa phương rà soát lại số lượng dân đến chưa có cuộc sống ổn định, đi làm thuê mướn, chưa nhập hộ khẩu, cấp hộ khẩu hộ tịch cho dân, nếu chưa đủ điều kiện thì cấp KT3 cho người dân ngay trong năm 2014. Nghiêm cấm thực hiện giao dịch đất đai do Nhà nước cấp cho hộ nghèo, hộ chính sách, hạn chế tối đa xây dựng các thủy điện nhỏ, làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào. Nông trường nào không có hiệu quả cần thu hồi đất để giao cho người dân địa phương canh tác, nghiêm cấm việc các nông trường “phát canh thu tô” với các hộ sống ở bìa rừng. Đối với hộ chưa có đất sản xuất cần bố trí đất cho bà con theo quy hoạch. Bố trí dân cư đến đâu thì cấp hộ khẩu, chứng minh thư cho người dân đến đó, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng ngay, phục cuộc sống của người dân.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội phải làm gương cho cả nước trong công tác chống buôn lậu trong buổi làm việc sáng 14/8. Chính quyền các cấp phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy lùi buôn lậu, phải coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, qua đó bảo vệ sản xuất trong nước, sức khỏe của nhân dân. Không ai được bao che, dung túng bảo kê cho các đối tượng này. 
 
* Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế miền Trung, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ vùng vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển, vì vậy cần đưa ra các chính sách, giải pháp khả thi huy động nguồn tài chính với kế hoạch thực hiện cụ thể, tạo ra các định chế tài chính nâng cấp hạ tầng phát triển, tìm hướng đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đánh giá kỹ tác động và đưa ra giải pháp cho tình trạng ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, suy thoái rừng đầu nguồn.

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm hướng tới mục tiêu đặt ra của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển tầm nhìn đến năm 2020.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức nghiệm thu 7/8 dự án đã kết thúc và tiến độ triển khai các dự án khác. Trong đó, tập trung hoàn thiện các văn bản, cơ chế  liên quan theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án. Lưu ý việc xây dựng, trình ban hành quy định về cung cấp, chia sẻ thông tin cho các thành viên Ban chỉ đạo, các đơn vị khai thác, sử dụng kịp thời, hiệu quả các kết quả điều tra thuộc Đề án.

* Chủ trì buổi làm việc về xây dựng chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ không cho vay ưu đãi tràn lan, chỉ hỗ trợ người có nghề cá hoạt động hiệu quả, có khả năng tài chính và phương án sản xuất cụ thể.

Phó Thủ tướng đồng tình việc hướng dẫn đóng mới các loại tàu cá đánh bắt xa bờ theo hướng để ngư dân tham gia thiết kế mẫu tàu của mình, tránh thiết kế không sát thực tế. Khi thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá và bảo hiểm thuyền viên, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả trực tiếp cho doanh nghiệp bảo hiểm thay vì ngư dân đánh bắt xa bờ phải mất thời gian, thủ tục tự chi trả bảo hiểm như hiện nay.

* Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giáo dục đại học cần giải quyết 2 vấn đề lớn là: Xác định hệ thống giáo dục sau bậc phổ thông gắn với phân tầng, xếp hạng các trường đại học, cao đẳng và lộ trình tự chủ, tiến tới hạch toán như doanh nghiệp.

Về vấn đề đổi mới tuyển sinh, Phó Thủ tướng cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh.

* Làm việc với Hiệp hội Cao đẳng cộng đồng Việt Nam,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xác định rõ vị trí bậc cao đẳng trong hệ thống giáo dục mới phát huy hết thế mạnh của loại hình này trong đào tạo nghề nghiệp, nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.

Theo đó, thế mạnh của cao đẳng cộng đồng là độ mở trong tuyển sinh đầu vào, không giới hạn thời gian đào tạo; chương trình đào tạo đa ngành, đa cấp... Nhưng để tạo sự khác biệt, các trường cao đẳng cộng đồng cần mạnh dạn thay đổi tư duy để tiến tới tự chủ toàn bộ như doanh nghiệp, trên cơ sở khai thác hiệu quả đất đai, cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư với sự hỗ trợ về cơ chế đặt hàng đào tạo, kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương đào tạo nghề theo nhu cầu...

TT CNTT (Nguồn: Chinhphu.vn)


    Ý kiến bạn đọc