Lần đầu tiên triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng với nhiều tư liệu lịch sử, pháp lý khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách hoà bình, liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả trong nước, quốc tế và người dân đến xem.
Các học giả, nhà ngiên cứu quốc tế tại triển lãm
Triển lãm đã giới thiệu một số tư liệu, bản đồ, văn bản Hán Nôm do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 - khẳng định các Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay. Đây là những văn bản chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam, có giá trị về mặt pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đặc biệt, Bộ Atlas thế giới của Phillipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ lần đầu tiên được công bố, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Học giả quốc tế và báo chí nước ngoài phỏng vấn Bà Huỳnh Thị Như Hoa chủ tàu cá ĐNa-90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm
Đến xem triển lãm, các học giả và chuyên gia nước ngoài vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng với những tư liệu lần đầu tiên được công bố. Đó là Hồ sơ đèn biển ở đảo Hoàng Sa; Giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy (SN 1939) trên đảo Hoàng Sa, cuốn Biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942.
Giáo sư Erik Franckx Đại học Tự Do Brussel, Bỉ cho rằng: “Những bản đồ, những tư liệu mà nhà nước Việt Nam trưng bày ở đây có giá trị quan trọng chứng tỏ sự quan tâm của nhân dân và đất nước Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản thân những tấm bản đồ đó cũng có giá trị pháp lý một mặt nào đó”.
Các học giả quốc tế xem tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm và gặp gỡ nhân chứng
Ông André Marcel Menras, học giả người Pháp đã gắn bó với Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ 20 cho biết, ông đã có 5 năm để nghiên cứu mối quan hệ Việt-Trung và cùng ăn ở hàng tháng trời với ngư dân Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu cuộc sống của cư dân trên đảo. Ông thực sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những tư liệu có giá trị lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trưng bày tại triển lãm.
Các học giả quốc tế ký vào tấm bản đồ Việt Nam |
Ông xem kỹ từng tư liệu, hiện vật và tranh thủ ghi lại những hình ảnh để làm tư liệu phục vụ cho các công trình nghiên cứu của mình. Học giả André Marcel Menras chia sẻ: “Triển lãm này với tôi là bước tích cực để Việt Nam tiếp tục đấu tranh buộc Trung Quốc tôn trọng Việt Nam, tôn trọng pháp lý và bỏ chính sách bành trướng của họ ở biển Đông”.
Đông đảo bạn trẻ đến xem triển lãm |
Triển làm Hoàng Sa, Trường Sa - Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đấu tranh phản đối việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng khẳng định: Những hình ảnh, tư liệu, bản đồ, hiện vật được trưng bày tại cuộc triển lãm giúp cho học giả quốc tế có cái nhìn khách quan về sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời, các Nhà nước Việt Nam đã xác lập thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 25/6 này./.
Đình Thiệu/VOV - Miền Trung
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)