Hội nghị chuyên đề về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ
EmailPrintAa
15:52 22/08/2018

Ngày 21-8, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của các luật, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng thuộc các lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ kiêm Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Duy Thăng, Trần Anh Tuấn, Trần Thị Hà; đại diện lãnh đạo các cục, vụ Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ; Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo tóm tắt Nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức.

Báo cáo cho biết, về lĩnh vực tổ chức, bộ máy, dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và 50 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Về lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, dự kiến sửa đổi, bổ sung 30 điều của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và 15 điều của Luật Viên chức năm 2010.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành rà soát các quy định của pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và quy định của pháp luật về công tác cán bộ trong hệ thống chính trị…

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất giữa các quy định của Đảng và quy định của các luật và văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng thuộc các lĩnh vực tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ngoài những đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến lĩnh vực tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm; xây dựng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị làm căn cứ xây dựng bảng lương mới; nghiên cứu xây dựng quy định tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý; thống nhất khái niệm “cán bộ”, “biên chế” trong các quy định của Đảng và quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có số liệu về tiền lương.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu ý kiến của các đại biểu và yêu cầu các cơ quan chuyên môn của Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 2 nội dung thảo luận với 29 vấn đề, trong đó có 7 vấn đề về tổ chức, bộ máy và 22 vấn đề về cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc sửa đổi, bổ sung nội dung trên theo hướng đẩy mạnh phân cấp và xác định nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương. Các cơ quan Trung ương tập trung vào nhiệm vụ xây dựng thể chế, chiến lược phát triển và hướng dẫn thực hiện. Xác định được nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương đảm bảo thực hiện nhiệm vụ không trùng lắp giữa các cấp chính quyền. Việc sửa đổi, thay thế Nghị định số 24 và 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chỉ quy định khung, đảm bảo linh hoạt, chủ động, về cơ cấu tổ chức do chính quyền địa phương quyết định. Liên quan đến vấn đề cán bộ, công chức, cần phải nghiên cứu, xác định rõ những người là cán bộ, là công chức; nghiên cứu vấn đề liên thông công chức, liên thông giữa cấp xã với cấp huyện, liên thông giữa khối Đảng với chính quyền. Xử lý dứt điểm các vấn đề về công tác cán bộ tại Thông báo Kết luận số 43-TB/TW ngày 28-12-2017 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh trên) cho rằng: ngoài những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cần được nghiên cứu, có lộ trình thực hiện thì những vấn đề đã rõ nhất quyết phải làm ngay. Việc liên thông công chức phải được thực hiện nhằm điều chuyển dễ dàng, xây dựng chế độ, chính sách tương đồng. Ủng hộ đề xuất phân cấp tối đa nhưng phải ràng buộc trách nhiệm, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh. Đối với những vấn đề chưa được sửa đổi trong các luật mà yêu cầu thực tiễn cần phải thực hiện thì tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện trên diện rộng. Ngoài 29 vấn đề đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, còn vấn đề gì các bộ, ngành, địa phương phản ánh, Bộ Nội vụ cần phải tổng hợp, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các luật. Trước mắt, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế theo hướng tăng thẩm quyền, mở rộng đối tượng, phân cấp để các cơ quan chủ động thực hiện thuận lợi...

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (ảnh dưới) đánh giá cao và cơ bản thống nhất với các nội dung do Bộ Nội vụ xây dựng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung triển khai thực hiện các nội dung, huy động các chuyên gia để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đẩy mạnh phân cấp đi kèm với đó là chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nghiên cứu thực hiện cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán trong hệ thống chính trị; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung phù hợp với các luật sửa đổi.

Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất thành lập cơ quan liên vùng, liên huyện không phụ thuộc vào địa giới hành chính như cơ quan thuế, hải quan, thị trường, kể cả cơ quan tư pháp. Đồng thời, rà soát và quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND và Chủ tịch UBND. Thường trực HĐND là một cấp cơ quan, do đó cần phải nghiên cứu, xác định rõ trong luật giao nhiệm vụ hay ủy quyền cho Thường trực HĐND; cần quy định số lượng đại biểu HĐND và cấp phó HĐND.

Phó Thủ tướng đề nghị: (1) Bộ Nội vụ rà soát, đảm bảo đồng bộ với Luật về Hội trong công tác cán bộ, công chức tại các hội; (2) Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, luật hóa cụ thể đảm bảo tương ứng với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức về hưu; (3) Về việc bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, đề nghị không nên quy định trong luật mà chỉ quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ; (4) Nghiên cứu chế độ chuyên gia, các chức danh thư ký, trợ lý; (5) Về vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêu chuẩn nhưng phải có sản phẩm cụ thể, bố trí đúng sở trường, năng lực, đúng vị trí công tác; (6) Nghiên cứu sửa đổi chế độ hợp đồng đã quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo hướng sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo không ký hợp đồng tràn lan rồi lại hủy bỏ như một số địa phương đã thực hiện gần đây, cần có lộ trình cắt giảm thận trọng, có chế độ, chính sách phù hợp để xử lý.

Nguồn: xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc