Hội nghị góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy của các cơ quan đảng
EmailPrintAa
17:03 14/06/2018

Ngày 13-6, tại Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Long An, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định 219- QĐ/TW của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy”; Quyết định 184 của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Hướng dẫn 23 của Ban Tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố” và lấy ý kiến của đại biểu đóng góp về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị tại Hải Phòng.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Nguyễn Thanh Bình, Mai Văn Chính, Hà Ban chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng; đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Đỗ Hữu Lâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An.

Tham dự hội nghị có các đồng chí các đồng chí  lãnh đạo ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thuộc 63 tỉnh thành và các đồng chí Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; lãnh đạo, công chức một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương.

Tại hội nghị, từ thực tiễn địa phương, các đại biểu tham gia ý kiến cụ thể, thiết thực vào dự thảo bổ sung, sửa đổi Quy định 219 và Quyết định 184 của Ban Bí thư và dự thảo Hướng dẫn số 23 của Ban Tổ chức Trung ương.

Đối với việc bổ sung Quy định 219, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào bổ sung, chức năng, nhiệm vụ ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; góp ý về chức năng, nhiệm vụ bộ máy của ban tuyên giáo, ủy ban kiểm tra, ban dân vận, ban nội chính thành ủy, tỉnh ủy; cho ý kiến về số lượng cấp phó các ban tham mưu; về số lượng đầu mối trực thuộc… Các đại biểu đề nghị Trung ương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các ban tổ chức, ban dân vận, ban tuyên giáo và ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; từ chức năng nhiệm vụ mới thiết kế bộ máy, tổ chức bên trong phù hợp. Việc tổ chức cơ cấu, số lượng cán bộ phải bảo đảm để thực hiện tốt nhiệm vụ, với mục tiêu là tinh giản toàn bộ hệ thống chính trị nhưng có thể tăng giảm cục bộ cho phù hợp. Việc bố trí số lượng phòng, biên chế các cơ quan tham mưu do Ban Bí thư quyết định khung thống nhất trên toàn bộ hệ thống và có tính đến vấn đề đặc thù để tránh tạo cơ chế xin- cho khi giao quyền chủ động về biên chế cho các tỉnh ủy, thành ủy. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 219 của Ban Bí thư phải liên kết với đề án vị trí việc làm và thống nhất với khung biên chế của Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị ở Thừa Thiên Huế.

Về bộ máy của các ban xây dựng đảng, các đại biểu thống nhất phương án do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định căn cứ quy định khung của trung ương và tình hình thực tế địa phương. Về số lượng đầu mối trực thuộc, các đại biểu đề xuất ít nhất có 5 người thì thành lập một phòng thay vì 7 người như dự thảo của Trung ương, đồng thời đề nghị Trung ương quy định rõ khung số phòng cụ thể đối với từng ban xây dựng đảng. Đối với việc bố trí số lượng cấp phó, các đại biểu đề xuất ở mức trung bình không quá 3 người, không nên ở mức bình quân không quá 2,5 phó trưởng ban ở mỗi ban; việc giảm đầu mối cấp phó của các ban tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy cần có lộ trình thực hiện thống nhất, hiệu quả cao, không nên mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Đối với dự thảo bổ sung, sửa đổi Quyết định 184 của Ban Bí thư, các đại biểu trao đổi làm rõ về  vị trí, chức năng, bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành; về con dấu, thể thức văn bản, giá trị văn bằng. Đại diện ban tổ chức một số tỉnh ủy đề xuất thêm chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị; việc xác định số lượng khoa, phòng của các trường nên phù hợp với tình hình thực tế thay vì chốt chặt là để 3 khoa, 2 phòng. Các đại biểu thống nhất biên chế của trường chính trị tỉnh, thành phố do ban thường  vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt và không cao hơn quy định khung; trường chính trị tỉnh, thành phố cần sử dụng thống nhất con dấu của cơ quan, tổ chức đảng…

Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị ở Long An.

Tại Long An có 15 ý kiến tham luận và 2 ý kiến giải trình của các Tổ biên tập các dự thảo quy định, quyết định. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ban tổ chức, văn phòng, ban tuyên giáo, ủy ban kiểm tra, ban dân vận, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy và trường chính trị tỉnh, thành phố. Về tổ chức bộ máy, đa số các ý kiến nhất trí phương án ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quy định về tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy để tạo sự chủ động cho cấp ủy địa phương. Tuy nhiên, các đại biểu cũng góp ý vào quy định về cơ cấu tổ chức bên trong của từng cơ quan, đơn vị, đồng thời đề nghị Trung ương có quy định khung về tổng biên chế, số phòng, số lượng biên chế từng phòng, số lượng cấp phó cơ quan, phòng của các cơ quan, đơn vị để thống nhất thực hiện, có tính đến yếu tố đặc thù. Nhiều ý kiến đề nghị quy định trường chính trị tỉnh, thành do tỉnh ủy, thành ủy quản lý và đồng tình với dự thảo về tổ chức bộ máy. Hầu hết các đại biểu đồng tình về việc chuyển giao ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố về cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, tuy nhiên cần có quy định cụ thể để bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ.

Góp ý vào dự thảo quy định của Bộ Chính trị về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu nhất trí với tiêu đề của quy định. Một số đại biểu đề nghị bổ sung một số nội dung hành vi chạy chức, chạy quyền; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống chạy chức, chạy quyền. Nhiều ý kiến nhất trí về các giải pháp phòng, chống chạy chức chạy quyền, trong đó có một số nội dung về công tác cán bộ như: Thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; tổ chức sát hạch năng lực cán bộ hằng năm; thay thế người đứng đầu lợi dụng chức trách, vị trí để bố trí, bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn; thẩm định, kiểm tra, giám sát, kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức ở vị trí, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Về dự thảo Hướng dẫn số 23 của Ban Tổ chức Trung ương, các đại biểu cho rằng việc bố trí trưởng ban và phó ban thường trực của ban chăm sóc sức khỏe cán bộ đều là trưởng ban tổ chức và phó trưởng ban tổ chức thành ủy, tỉnh ủy kiêm nhiệm là không phù hợp, việc không có cán bộ chuyên trách sẽ khiến công tác này gặp khó khăn. Việc đặt trụ sở ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tại ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy là không phù hợp, nên để tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố.

Kết luận hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ý kiến đóng góp tại hội nghị, Tổ Biên tập xây dựng Đề án của Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Dự thảo báo cáo và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định 219-QĐ/TW, Quyết định 184-QĐ/TW của Ban Bí thư; Hướng dẫn 23-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.

Nguồn: xaydungdang.org.vn


    Ý kiến bạn đọc