Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải
EmailPrintAa
17:06 13/07/2020

Sáng ngày 13/7/202, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự Đảng Toà án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị

Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Hòa Bình,  Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tham dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Phan Cao Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, Luật Hòa giải cơ sở được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2013, có hiệu lực từ 01/01/2014. Qua 6 năm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên; đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; trong đó hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,9%). Trung bình mỗi năm, các hòa giải viên ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiến hành hòa giải hơn 140.000 vụ, việc, trong đó hòa giải thành công hơn 120.000 vụ, việc.

Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến đồng tình cao với các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở của Bộ Tư pháp và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhờ có hoạt động hòa giải cơ sở mà nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong Nhân dân. Đồng thời, thông qua hoạt động hòa giải cơ sở, các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước đã được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cộng đồng dân cư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đạt được và vai trò của công tác hòa giải cơ sở thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2020 là “Năm Dân vận khéo”, muốn khéo phải nắm chắc pháp luật; cán bộ phải có uy tín, chú trọng nắm sát tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những ý kiến liên quan đến các văn bản pháp luật, tham gia phản biện pháp luật. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các luật sư tích cực góp ý, tư vấn pháp luật cho Chính phủ.

Tại Hà Tĩnh, sau khi Luật Hòa giải cơ sở được ban hành, Sở Tư pháp đã chủ trì tham mưu, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã đa dạng hòa hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật cho Nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan đã tổ chức 212 hội nghị phổ biến pháp luật, trong đó có Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan, thu hút 42.400 lượt người tham gia; in và cấp phát 50.000 bản tin, 62.000 tài liệu, ấn phẩm; xây dựng phóng sự và phát sóng 306 chương trình truyền thanh truyền hình; xây dựng và đăng tải 8.340 tin bài trên các báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Hòa giải cơ sở, thu hút gần 4.000 hòa giải viên tham gia; tổ chức 529 hội nghị, lớp tấp huấn cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, nhờ đó, trình độ, kỹ năng hòa giải của các hòa giải viên ngày càng được nâng lên. Thông qua công tác hòa giải, nhiều tranh chấp, bất đồng tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp. Từ năm 2014 - 2019, đã hòa giải 12.680 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 10.437 vụ việc (tỷ lệ 82,31%). Công tác hòa giải tại Tòa án Nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh tại Hà Tĩnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 01/01/2016 đến 30/6/2020, các Tòa án đã giải quyết 7.092 vụ việc; trong đó hòa giải thành công 5.231 vụ việc, chiếm tỷ lệ 73,76%.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, ông Hoàng Ngọc Long, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3 phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh phát biểu: Thời gian qua, Chi bộ thường xuyên quan tâm công tác hòa giải cơ sở, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cơ sở cho Nhân dân. Một số vụ việc xảy ra tại địa bàn phường đã được hòa giải thành công. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, 5 năm qua tại địa bàn phường không có vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; tinh thần đoàn kết của người dân trong tổ dân phố ngày càng nâng lên, Nhân dân trong tổ dân phố tích cực đóng góp xây dựng đô thị văn minh. Năm 2019, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tĩnh tặng danh hiệu “Tổ dân phố kiểu mẫu”, 15 năm liền Chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện. Ông đề nghị, để công tác hòa giải cơ sở được tốt hơn, thời gian tới các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở; bảo đảm cơ sở vật chất thiết yếu cho hòa giải ở cơ sở hoạt động; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hòa giải viên và Nhân dân.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ph ó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu

Phát biểu với các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và ngành tư pháp cần chú trọng và phát huy vai trò hòa giải cơ sở, nhất là trong thời điểm chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp. Cùng với xây dựng đội ngũ hòa giải viên, cần phát huy vai trò, uy tín của người cán bộ, đảng viên trong công tác hòa giải. Chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân. Các ngành, các cấp cần tham mưu việc thực hiện Luật Hòa giải cơ sở và chính sách cho đội ngũ hòa giải viên…

Dương Trí Thức (Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân tỉnh)


    Ý kiến bạn đọc