Hội nghị WEF ASEAN 2018: Cơ hội lớn cho ASEAN
EmailPrintAa
11:10 13/09/2018

Ngày 12-9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0” chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Chủ tịch ASEAN năm 2018), Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong, cùng khoảng 50 bộ trưởng và cấp tương đương của các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và khu vực, giới học giả và truyền thông quốc tế.

Lĩnh vực đầy tiềm năng

Nói đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức phong phú, giàu tiềm năng, là một công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, trong làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến như là một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính công nghệ cao và nền kinh tế số mới là lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN, với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới hơn 200 tỷ USD vào năm 2025.

Các đại biểu tại phiên thảo luận “Tầm nhìn mới cho khu vực Mê Công”. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng CMCN 4.0 mang lại cho ASEAN những điều kiện vô cùng thuận lợi. Đầu tiên phải kể đến sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn: Điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm. Hai là, CMCN 4.0 cũng thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ba là phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới. Bốn là cơ hội “đi tắt” trong chính sách công nghiệp hóa. “ASEAN có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… để nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra đối với ASEAN cũng không nhỏ. Điều dễ nhận thấy nhất là nguy cơ mất việc làm khi áp dụng tự động hóa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 56% người lao động tại 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp do áp dụng kỹ thuật tự động hóa trong hai thập niên tới. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 có khả năng làm gia tăng khoảng cách thu nhập, từ đó tạo nguy cơ về bất ổn xã hội.

Đứng trước những cơ hội và thách thức như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất các nước ASEAN thực hiện kết nối số chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo, tìm kiếm, phát huy tài năng, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời…“Trong bối cảnh lan tỏa CMCN 4.0, môi trường khu vực và toàn cầu cạnh tranh gay gắt, chúng ta phải chung tay hợp tác, tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh nội khối để xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường dựa trên luật lệ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN đã và sẽ tiếp tục nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm ở khu vực cùng với các đối tác duy trì hòa bình, ổn định bảo đảm tự do, lưu giữ hàng hóa trên không, trên bộ, trên biển và phát triển thịnh vượng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Nguồn tài nguyên vô hạn

Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, quy mô kinh tế năm 2017 hơn 2.760 tỷ USD, ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và thứ năm của thế giới. Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ASEAN được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 và ở châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc. “Quy mô kinh tế, lực lượng lao động trẻ, sự phát triển của kinh tế số là những điều kiện thuận lợi cho ASEAN trước làn sóng CMCN 4.0. Tôi lạc quan về tương lai của ASEAN nhờ những thế mạnh tương đối này và chúng ta cần tận dụng để đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia và người dân”, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo lại nhấn mạnh tới sự vô hạn của nguồn tài nguyên. Nhà lãnh đạo Indonesia đã liên hệ tới nhân vật Thanos trong bộ phim "Biệt đội siêu anh hùng: Cuộc chiến vô cực" (Avengers: Infinity War) nhằm minh họa cho nhận định của mình. “Trong phim, Thanos muốn tiêu diệt một nửa dân số trên hành tinh vì tin rằng nguồn tài nguyên là có hạn. Thế nhưng trên thực tế, nguồn tài nguyên sẵn có không phải hạn chế mà là vô hạn. Đó là công nghệ giúp nâng cao hiệu suất, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên. Đó là tài năng của con người làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển”, Tổng thống Joko Widodo nhận xét. Nhấn mạnh tới việc bước đầu đã xuất hiện một số “Unicorn” (“Kỳ lân”-chỉ các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) trong khu vực, Tổng thống Joko Widodo bày tỏ tin tưởng ASEAN sẽ là một trong những khu vực đi đầu trong CMCN 4.0.

Nhấn mạnh ASEAN là “hàng xóm và đối tác” trong Sáng kiến “Vành đai và con đường”  của Trung Quốc, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa khẳng định tăng cường hợp tác với ASEAN là một ưu tiên chính sách của Bắc Kinh. Theo ông, “co cụm không tạo kết quả tốt” và chỉ có “mở cửa” mới là con đường đúng đắn. “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN để cùng nhau nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với những thách thức mà CMCN 4.0 đem lại trên cơ sở đem lại lợi ích cho tất cả mọi người”, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Hồ Xuân Hoa khẳng định.

Chung một “con thuyền”

Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là diễn đàn có uy tín để các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc và tác động của CMCN 4.0 đối với các nước ASEAN và khu vực, đặc biệt là tác động đến doanh nghiệp và người dân. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, GS Klaus Schwab, Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF, và Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong cùng cho rằng để có thể định hướng thành công trong CMCN 4.0 đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN cần tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Trong cuộc cách mạng này, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều ngồi chung trên một con thuyền, cả ASEAN đang ngồi chung trên một con thuyền. Cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển”, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhận định.

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi kêu gọi ASEAN cùng nhau định hình một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người bằng cách lấy con người làm trung tâm. “CMCN 4.0 không chỉ gắn với giới trẻ mà là tất cả mọi người. Cần phải đầu tư hơn nữa vào giáo dục, trang bị kỹ năng để người dân có thể biến CMCN 4.0 thành những lợi ích”, bà Aung San Suu Kyi đề nghị.

Việt Nam nằm trong 11 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, ngày 12-9, Viện Toàn cầu McKinsey (MGI) công bố Báo cáo “Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn”. Theo đó, Việt Nam nằm trong số 11 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 1996-2016.

Tầm nhìn mới cho khu vực Mê Công

Trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, chiều 12-9 diễn ra phiên thảo luận “Tầm nhìn mới cho khu vực Mê Công” với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong. Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng khu vực Mê Công mang đặc trưng “thống nhất trong đa dạng” giống như ASEAN và tầm nhìn chung cho khu vực này là hòa bình, ổn định và hội nhập. “Kết nối và phát triển bền vững là quan trọng đối với khu vực Mê Công trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc