Hội thảo khoa học “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”
EmailPrintAa
15:06 22/05/2019

Ngày 22-5, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Di chúc Hồ Chí Minh: Giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho cách mạng Việt Nam”.

Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tiến sĩ Nhị Lê, Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của 150 đại biểu, là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn; đại biểu các bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Bác đi xa. Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình thật là ung dung và thanh thản "để sẵn mấy lời" cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi thấy đột ngột. Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng... hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu. Mấy lời để lại của Bác là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận đầy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạt động thực tiễn, thể hiện sự quan tâm, tập trung làm rõ nhiều nội dung liên quan tới bản Di chúc lịch sử. Các tham luận được trình bày tại hội thảo đã đề cập tới nhiều vấn đề rất sâu sắc, phong phú, giàu tính gợi mở như: Làm rõ hoàn cảnh ra đời và quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, cũng như quá trình công bố và xuất bản tài liệu này của Người; phân tích những nội dung cơ bản của Di chúc Hồ Chí Minh và đưa ra những nhận định sâu sắc về giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua và hướng đi cho tương lai.

Các tham luận cũng khẳng định những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong thực hiện những lời căn dặn của Người suốt 50 năm qua, với những phân tích sâu sắc, phong phú, như: Về tăng cường xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong sự nghiệp đổi mới; rèn luyện đạo đức, phong cách, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên hiện nay; vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn; chính sách đối với người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong; xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam - xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;...

Qua những tham luận tại hội thảo, chúng ta càng có đủ cả cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn để khẳng định rằng: Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc