Ngày 28-7-2013, Đại hội đại biểu toàn quốc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013 - 2018) chính thức khai mạc tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 950 đại biểu, đại diện cho gần 8 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động trên cả nước.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các đoàn khách quốc tế… tham dự Đại hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ XI là Đại hội “đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, đổi mới”, thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, của đội ngũ đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam.
Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X tại Đại hội đã nêu bật những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội X của tổ chức công đoàn Việt Nam trên tất cả các mặt. Theo đó, tổ chức công đoàn đã lãnh đạo giai cấp công nhân Việt Nam nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tham gia xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của đội ngũ công nhân, lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động trong nhiệm kỳ vừa qua của tổ chức công đoàn Việt Nam. Đó là, chất lượng tham gia xây dựng, hoàn thiện một số chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn chưa cao. Việc tham gia quản lý, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong một số ngành, địa phương, lĩnh vực kết quả còn thấp. Tuyên truyền chính sách, pháp luật, phối hợp với lãnh đạo chuyên môn,…, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cho người lao động, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…
Từ việc đánh giá, nhận thức đúng đắn những thành tựu, kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém thời gian vừa qua, xuất phát từ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để thực hiện những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, cũng như các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát nhiệm kỳ 2013 - 2018 của tổ chức công đoàn Việt Nam là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh công tác giáo dục đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở,.., góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận những nỗ lực của tổ chức công đoàn Việt Nam thời gian qua trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước…, vào việc nâng cao vị thế đất nước. Tổng Bí thư đồng ý với những đánh giá nghiêm túc về những khuyết điểm thời gian qua của tổ chức công đoàn; đồng thời, cũng chỉ ra một số nhiệm vụ, những định hướng, những nội dung quan trọng mà tổ chức công đoàn Việt Nam cần thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Đó là, tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh, nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết Trung ương về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam; tìm những giải pháp để xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chủ động phối hợp với các cấp chính quyền xây dựng các phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ công nhân, lao động, hướng vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế…; đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ phẩm chất, năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, hướng về cơ sở, hiện diện đầy đủ và hiệu quả ở mọi thành phần kinh tế; tiếp tục tham gia xây dựng Đảng, tích cực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận…
Đại hội đại biểu toàn quốc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ XI diễn ra đến ngày 30-7-2013./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)