Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu 5 nhóm vấn đề có tính gợi mở mà Hội nghị sẽ xem xét, thảo luận và quyết định.
Sáng 30/9, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị lần thứ 8 này, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế - xã hôi; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và một số vấn đề quan trọng khác liên quan tới công tác xây dựng Đảng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hội nghị Trung ương 8 diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XI với nhiều nội dung quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quan tâm.
Tổng Bí thư nêu 5 nhóm vấn đề có tính gợi mở về những nội dung mà Hội nghị sẽ xem xét, thảo luận và quyết định.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị xem xét báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về phát triển kinh tế xã hội; đánh giá đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội nước ta, trọng tâm là việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014 và 2 năm 2014-2015 nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế - xã hội năm 2013 cần bám sát Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội cuối năm 2012 và thực tiễn của đất nước, của bộ, ngành, địa phương nơi công tác, phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013.
Chú trọng làm rõ các vấn đề như kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu có còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại như thế nào; tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thị trường bất động sản bị đóng băng, “thừa tiền, thiếu vốn” được xử lý ra sao; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đạt được ở mức nào?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8
Đối với việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, kịp thời của việc các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, ngay sau Đại hội XI đã quyết định chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ phát triển nhanh sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phát chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế đã đem lại những kết quả như thế nào, có gì cần rút kinh nghiệm; việc thực hiện các mục tiêu Đại hội XI đề ra đạt ở mức nào, có vấn đề gì mới nảy sinh, xu hướng phát triển trong nửa nhiệm kỳ còn lại? Từ đó, chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội.
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu đặt ra là phải tạo sự thống nhất cao, ban hành được một Nghị quyết Trung ương xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu này. Trung ương cần thảo luận, bàn bạc thật sự kỹ sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo; đánh giá thẳng thắng, đúng thực trạng tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế cần chấn chỉnh. Đặc biệt là tập trung xác định rõ hơn nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện. Phải chăng đổi mới căn bản là đổi mới từ tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục- đào tạo cùng các cơ chế, chính sách tổ chức thưc hiện.
Đổi mới toàn diện là đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến đổi mới các cơ sở giáo dục – đào tạo và sự tham gia của gia đình, cộng đồng và xã hôi; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học, ở cả Trung ương và địa phương? Cái gì cần kế thừa, phát huy; cái gì cần bổ sung, sửa đổi? Từ đó hoàn thiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhất là những giải pháp chủ yếu, có tính đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục- đào tạo theo tinh thần: chấn chỉnh, khắc phục triệt để những khuyết điểm, bất cập lâu nay; củng cố những kết quả, thành tựu đã đạt được; phát triển, nâng chất lượng giáo dục – đào tạo lên tầm cao mới.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Hội nghị TW 8, khóa 11
Đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trung ương đã nhiều lần xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị vì Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý cơ bản điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tăng, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ; là đạo luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, vừa bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền quốc gia. Vừa qua, chúng ta đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm, động viên đông đảo nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo. Tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề còn có các phương án lựa chọn khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp sớm hoàn chỉnh toàn văn Dự thảo. Đồng thời cho ý kiến về việc lãnh đạo, chỉ đạo trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) là việc làm hết sức cần thiết. Đồng thời, cần phân tích thật thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới.
Tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn và thách thức phải vượt qua để trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định 2 nội dung quan trọng là: ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng và quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng. Việc xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành theo nguyên tắc: kế thừa tối đa những nội dung còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã bộc lộ bất cập trong thực tiễn thi hành.
Những nội dung mới của Dự thảo Quy chế chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Phạm vi điều chỉnh của Quy chế; việc ứng cử, đề cử, bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; thủ tục ứng cử, đề cử…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghị các đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) làm việc tới ngày 9/10./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)