Khai mạc Phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
EmailPrintAa
08:52 15/05/2013

Sáng 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 18. Phiên họp diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16/5/2013, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tại Phiên họp, UBTVQH sẽ tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013. 

UBTVQH sẽ tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải tiếp thu ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Hiến pháp, để Hiến pháp thực sự là kết tinh trí tuệ của nhân dân.

Cũng tại phiên họp, UBTVQH sẽ rà soát lại chương trình Kỳ họp thứ 5. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần quan tâm đặc biệt tới Luật Đất đai (sửa đổi) và tình hình chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Ngoài ra, UBTVQH sẽ thông qua Đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01/10/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch 

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, so với con số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đạt thấp hơn, chỉ tiêu tạo việc làm đạt cao hơn, còn tỷ lệ che phủ rừng không đổi so với dự báo đã báo cáo Quốc hội. 

Về thực hiện mục tiêu duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, sau khi trình Quốc hội cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020; giao cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Trong đó, về tái cơ cấu đầu tư công, việc bố trí vốn đầu tư bước đầu đã có sự kiểm soát tốt. Các dự án đầu tư về cơ bản được thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch đã giao, góp phần hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản. Số dự án khởi công mới giảm đáng kể, số dự án hoàn thành tăng cao. 

Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước

Về tình hình kinh tế -xã hội 4 tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. So với tháng 12/2012, chỉ số giá sau khi có mức giảm ở tháng 3 đã tăng trở lại vào tháng 4 nhưng có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định; thanh khoản các ngân hàng thương mại cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao; thị trường vàng từng bước đi vào hoạt động ổn định. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Đáng lưu ý, đã có 8,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2012 quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. 

Từ tình hình thực tế 4 tháng đầu năm và những dự báo triển vọng phát triển kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế, tạo việc làm, đồng thời với việc ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đề ra một số giải pháp cấp bách trước mắt như: Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Điều hành lãi suất ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường và tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng. Thực hiện lộ trình hợp lý điều chỉnh một số giá do Nhà nước quản lý, không dồn vào một thời điểm, tránh tác động tăng giá đột biến. Trình Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về mức 20 - 22%. Đồng thời, nghiên cứu giảm thuế có thời hạn đối với thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ tăng cầu về hàng hóa đang quá yếu hiện nay…

Sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; thách thức về mặt chính sách là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. 

Một số ý kiến cho rằng, tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, nên áp lực lạm phát năm 2013 là không cao. Do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát 6 - 6,5% cả năm 2013 có khả năng đạt được, nên trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban này cho rằng, sau một thời gian dài kiểm soát tín dụng với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản; một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa. Cùng với nhân tố năng suất tổng hợp của nền kinh tế chậm cải thiện do quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng đang mới bắt đầu được thực hiện, yếu tố tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong năm 2013 và những năm tới đây, sẽ bị sụt giảm. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh: Nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt, năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, dự báo năm 2013, nền kinh tế chưa có thêm nhiều sản phẩm mới có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu; trong khi đó, nhiều dự báo giá cả thế giới sẽ giảm so với năm 2012, nên kim ngạch xuất khẩu 2013 khó có bứt phá mạnh. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (tăng cung), các giải pháp tác động đến chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện thận trọng; việc linh hoạt các chính sách theo diễn biến và liều lượng thích hợp; kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát./.


    Ý kiến bạn đọc