Ngày 20-02-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), xem xét Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp với sự tham dự của các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân và Uông Chu Lưu.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh, đa số đại biểu đề nghị dự án luật chỉ cần quy định “Luật này áp dụng đối với mọi tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là bao quát và đầy đủ vì Điều 1 của Hiến pháp đã ghi rõ lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Nhiều ý kiến đồng tình với việc có quy định đánh giá tác động môi trường hai bước. Tuy nhiên, có đại biểu cho cho rằng đánh giá tác động môi trường hai bước có thể dẫn đến sự phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém cho doanh nghiệp và đề nghị chỉ cần đánh giá một bước nhưng bảo đảm hiệu quả.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu; bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước, đồng thời cần có quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu nếu không nước ta sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới.
Những nội dung như quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được các đại biểu tập trung góp ý. Theo các đại biểu, quy hoạch môi trường cần xem xét tới các nội dung liên quan của các quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ban soạn thảo cần nghiên cứu Hiến pháp mới để thể chế hóa dự án luật này cho phù hợp, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường. Cần xem xét các nội dung liên quan giữa quy hoạch môi trường với các quy hoạch khác, cũng như kỳ quy hoạch 10 năm hay 20 năm. Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên vẫn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính Nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
Loại ý kiến thứ hai không tán thành giao cho công chứng viên thực hiện các công việc mang tính chất chứng thực vì hoạt động công chứng ở Việt Nam đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức, đồng thời trùng lắp với nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Vấn đề này Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng lâu dài việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết.
Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước đang làm hiện nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này; đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên.
Để bảo đảm cân đối về nhiệm vụ giữa tổ chức hành nghề công chứng và các Phòng tư pháp quận, huyện, ủy ban nhân dân cấp xã, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ; đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, tài liệu liên quan hợp đồng, giao dịch mà mình công chứng (Điểm c Khoản 1 Điều 17). Phòng tư pháp cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng lý giải của Ủy ban thẩm tra chưa thuyết phục. Theo đồng chí Trương Thị Mai, chứng thực là việc của các cơ quan hành chính, vì vậy cần phải lý giải hoạt động này hiện nay có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không, có quá tải hay không... Nếu quá tải cần phải mở thêm một kênh khác để giải quyết vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng việc quyết định giao cho công chứng viên thực hiện một phần việc mà ủy ban nhân dân đang làm không có nghĩa là ủy ban nhân dân thôi không làm nhiệm vụ đó nữa mà việc này ủy ban nhân dân vẫn tiếp tục làm, tức là song song tồn tại. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiện, nếu cả Nhà nước và tổ chức xã hội hóa cùng làm tốt việc này thì nên giao cho xã hội hóa làm bởi đây là xu hướng chung của thế giới.
Thảo luận về độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Khoản 3 Điều 8), hiện đang có hai loại ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng là 65 tuổi như dự thảo Luật đã trình Quốc hội do đây là công việc có tính đặc thù, đòi hỏi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị không nên giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên trong Luật này tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y sĩ, bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích tuổi hành nghề và tuổi nghỉ hưu là hai nội dung khác nhau. Luật Lao động hiện không khống chế tuổi hành nghề, tuy nhiên một số trường hợp có khả năng gây hại thì có khống chế. Theo đồng chí, độ tuổi nghỉ hưu chỉ được áp dụng đối với các công chứng viên trong cơ quan công lập; không nên hạn chế tuổi hành nghề công chứng.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng không cần khống chế tuổi hành nghề công chứng nhưng cần có giấy khám sức khỏe để khẳng định được công chứng viên còn đủ sức khỏe và minh mẫn tiếp tục công việc.
Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./.
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)