Khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
EmailPrintAa
15:51 20/04/2020

Sáng nay, 20-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 44. Phiên họp bắt đầu từ hôm nay đến 28-4.

Tham gia phiên họp, có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; các bộ: Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng T.Ư Đảng cùng các cơ quan hữu quan.

Thảo luận, xem xét nhiều dự án luật quan trọng

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh Phiên họp thứ 44 lùi một tuần so kế hoạch ban đầu. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến các nội dung để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.

Trong nội dung phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp bất thường vừa qua và kịp thời ban hành Nghị quyết, nhanh chóng chỉ đạo triển khai gói an sinh xã hội này đến những người dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của hai dự án luật: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2); Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng thời, xem xét cho ý kiến để xem xét trình Quốc hội lần đầu đối với bốn dự án luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thỏa thuận quốc tế; và Luật Cư trú (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 và hai nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho ý kiến về báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ đã nỗ lực, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp (trong đó có một số ủy ban của Quốc hội đã tổ chức họp trực tuyến để tiến hành thẩm tra bảo đảm nội dung trình tại phiên họp này), nên một khối lượng lớn các nội dung đã được chuẩn bị để trình ra phiên họp, bảo đảm việc chuẩn bị được chu đáo các nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Tuy nhiên, mặc dù phiên họp đã lùi một tuần so dự kiến do tình hình dịch bệnh và trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan bằng các hình thức thích hợp vẫn phải tiếp tục chuẩn bị các nội dung để bảo đảm cho Phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cho đến ngày khai mạc phiên họp vẫn còn thiếu nhiều tài liệu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần chú ý vấn đề này để rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh nhưng các cơ quan vẫn phải duy trì công việc, không để chậm trễ, ách tắc, vì vậy, cần thay đổi phương thức làm việc để bảo đảm việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, tại phiên họp này, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi phiên họp tại phòng làm việc, các khách mời theo dõi phiên họp tại phòng riêng theo hình thức trực tuyến.

Bàn cơ chế thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước

Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư (PPP).

Chung quanh một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, về quy mô đầu tư dự án PPP (khoản 3 Điều 5), Ủy ban Kinh tế cho biết, sau phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật gửi xin ý kiến đại biểu chuyên trách đề xuất hai phương án.

Phương án 1, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 5, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng. Quy định này thống nhất với định hướng thu hẹp lĩnh vực đầu tư dự án PPP như đã nêu ở trên, xác định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP nhằm bảo đảm có sự tập trung đầu tư lớn vào các dự án PPP quan trọng cần khuyến khích, ưu tiên thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

Đối với các dự án đầu tư tại vùng sâu, vùng xa chủ yếu thực hiện thông qua đầu tư công vì nếu đầu tư qua phương thức PPP sẽ không bảo đảm nguồn thu để duy trì việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công cũng như khó thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước.

Phương án 2, Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo, y tế... hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa. Quy định này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu.

Qua thảo luận tại phiên họp sáng nay, nhiều đại biểu cho ý kiến về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (Điều 83). Ủy ban Kinh tế cho rằng, về căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu: xin tiếp thu sửa đổi, bổ sung quy định tại các Điều 51, Điều 52 và Điều 83 xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Về xác định nguồn chi trả cho cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin báo cáo hai phương án: Giữ như quy định của dự thảo luật, sử dụng nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn để chi trả phần giảm doanh thu (khoản 4 Điều 75); Sử dụng chi thường xuyên để chi trả phần giảm doanh thu, tương tự chi trả nợ ngân sách nhà nước (khoản 3 Điều 76).

Về cơ sở xác định các mốc giá trị trong cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin báo cáo như sau: Về giá trị 50% - 50%, hồ sơ dự án luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cơ chế này được đề xuất theo hướng: Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định như vậy không bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ Nhà nước và tư nhân, do đó, xin tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50% - 50%.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận những nội dung chính của dự án luật này.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc