Khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia
EmailPrintAa
16:45 10/12/2019

Chiều 9-12, tại Hà Nội, diễn ra Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử tham dự buổi lễ.

Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc tế (TP Hà Nội) và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.

Cổng DVCQG được vận hành với địa chỉ: dichvucong.gov.vn. Cổng DVCQG cung cấp các chức năng cơ bản như: Chức năng đăng nhập một lần, sử dụng một tài khoản của Cổng DVCQG để đăng nhập Cổng dịch vụ công của bộ, của địa phương; tra cứu về thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc; theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán; đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, phản ánh kiến nghị…

Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG cung cấp các dịch vụ công, bao gồm: Đổi giấy phép lái xe; cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, dịch vụ cấp điện trung áp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; cấp Giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký khuyến mãi, nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đối với 4 địa phương tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh cung cấp dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; TP Hà Nội: Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; TP Quảng Ninh và  TP Hải Phòng: Đăng ký khai sinh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, số lượng dịch vụ công này sẽ được tiếp tục tăng lên nhanh chóng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trong việc kết nối hệ thống và lựa chọn cung ứng dịch vụ công để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Chính phủ điện tử nhằm hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cổng DVCQG ra đời đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất hơn, hiệu quả hơn. “Đây là một công cụ để cơ quan Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng chống nhũng nhiễu tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Chúng ta cứ mạnh dạn làm rồi tiếp tục cải tiến, nâng cấp”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng đây mới chỉ là thành công bước đầu. Hiện, mới có 8 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng nghìn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu vẫn ở cấp độ 3. Mục tiêu là cần sớm cung cấp ở cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ đông đảo người dân sử dụng.

Để Cổng DVCQG hoạt động thực chất, liên tục, hiệu quả, Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù Cổng DVCQG đã xây dựng, đã kết nối với cổng dịch vụ công của các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các bộ, cơ quan bộ, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng DVCQG rồi thì lơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình, ngược lại cần đẩy mạnh hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ với nhau. Như vậy mới có thể giảm bớt giấy tờ, đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục, mới có thể là cải cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm.

Để thúc đẩy mức độ sử dụng thực sự của người dân, doanh nghiệp đối với Cổng DVCQG, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Từ đó xác định rõ các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong cả nước, nhất những tập đoàn lớn cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên đồng hành, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, những hệ thống thông tin của người Việt Nam, phục vụ người Việt Nam và bảo đảm tính tự chủ cả hệ thống.

Ngay tại lễ khai trương, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố cùng thực hiện việc ký cam kết điện tử, nhằm đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển Cổng DVCQG phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc