Ngày 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác tiếp công dân và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài.
Tham gia Hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu ở các địa phương có đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Phú Thọ, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, thời gian qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được các Bộ, ngành địa phương triển khai quyết liệt và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Tính đến ngày 15/4/2014, Thanh tra Chính phủ đã giải quyết được 481/528 vụ việc, đạt tỉ lệ hơn 91%. Các địa phương đã giải quyết được 315/1386 vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài. Kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, kiện cáo thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số địa phương nhận thức chưa tốt, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương chưa được chặt chẽ. Thậm chí, một số vụ việc không xử lý đúng theo phương án đã thống nhất với Trung ương...
Đại diện tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết: Từ 2013 đến quý I/2014 đã giảm cả về số lượng khiếu nại và số đoàn khiếu nại đông người. Số vụ khiếu nại tố cáo đúng và đúng một phần giảm mạnh, chứng tỏ hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 vụ khiếu nại đông người.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, việc các đoàn đông người từ các nơi về Hà Nội để khiếu kiện lên cấp Trung ương cũng thuộc trách nhiệm của Hà Nội. Bởi vậy, Hà Nội sẽ cùng các địa phương tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động, đưa các đoàn về địa phương, nhằm hạn chế các vụ khiếu nại kéo dài.
Tham gia họp trực tuyến, đại diện nhiều tỉnh, thành đã báo cáo rõ tình trạng khiếu nại, khiếu kiện và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng người dân vẫn khiếu kiện kéo dài là do cơ chế chính sách vẫn còn chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở... Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn xem nhẹ, né tránh trong việc tổ chức đối thoại với công dân. Việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật chưa triệt để, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật...
Dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, nhìn chung số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện tồn đọng kéo dài đã giảm nhưng số vụ việc khiếu kiện đông người vẫn còn tăng.Bởi vậy, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết quyết liệt các giải pháp như: tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, bảo đảm an ninh trật tự; các Bộ, ngành địa phương theo dõi nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo và chủ động kịp thời giải quyết ngay từ khi phát sinh, không để xảy ra điểm nóng ảnh hưởng đến an ninh trật tự...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những việc đã làm được trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài tại một số địa phương. Đó là nhận thức của lãnh đạo chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng và không giải quyết có trách nhiệm với người dân, thậm chí có trường hợp thiếu tích cực hoặc chờ đợi và đùn đẩy lên các cơ quan cấp trên…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người và có tính chất phức tạp.
Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân và tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân; kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ lập các đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các Bộ, ngành, địa phương; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin trong hoạt động tiếp công dân./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)