Nghị định này sẽ tạo niềm tin vững chắc hơn cho người dân, doanh nghiệp, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho công tác “số hóa” nền hành chính quốc gia, phục vụ nền kinh tế số, xã hội số.
“Chìa khóa vàng” của Chính phủ điện tử
Trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng công nghệ số tạo ra một xã hội kiểu mới-xã hội số, với sự phát triển vượt trội hơn trên mọi mặt kinh tế-xã hội. Trong cuộc cách mạng này, bất kỳ khu vực nào không theo kịp trình độ phát triển mới cũng sẽ ngày càng bị tụt hậu xa hơn với phần còn lại của thế giới.
Thực tế, nền tảng công nghệ số đã tác động trực tiếp, toàn diện tới mọi mặt quan hệ kinh tế-xã hội của nước ta. Các doanh nghiệp đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động để đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa vào quy trình sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh. Con người tương tác với nhau ngày càng phổ biến trên môi trường mạng, giúp xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý thông thường.
Thực tiễn ấy đòi hỏi nền hành chính công vụ cũng phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình quản trị nhà nước dựa trên nền tảng công nghệ số để một mặt phù hợp với trình độ phát triển mới của thực tiễn cuộc sống, một mặt định hướng và tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế-xã hội theo đúng xu hướng của thời đại, kích thích sự quan tâm nhiều hơn tới công nghệ số từ những khu vực, vùng miền hoặc những doanh nghiệp, người dân còn đang thờ ơ với thời cuộc.
Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ số cho sản xuất-kinh doanh.
Nói cách khác, muốn theo kịp và thúc đẩy phát triển một nền kinh tế-xã hội số, Chính phủ, chính quyền cũng phải chuyển mạnh sang Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo môi trường thuận lợi cho công dân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử được xem là một trong những chìa khóa của việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ở mỗi quốc gia.
Thực trạng dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong các năm 2016, 2017 và quý II/2018 do các bộ, cơ quan ngang bộ cung cấp lần lượt là 828, 1.396, 1.578; do cấp tỉnh cung cấp lần lượt là 11.409, 22.707, 47.774.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp chưa đạt được như kỳ vọng. Tại cả hai công đoạn thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến của người dân, doanh nghiệp và giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước, việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính còn thấp; quy định thủ tục hành chính thực hiện theo cách thức trực tuyến chưa đầy đủ, nằm rải rác ở một số văn bản thuộc lĩnh vực cụ thể; mỗi bộ, ngành, địa phương có nhiều cổng dịch vụ công cho những lĩnh vực riêng lẻ, thiếu tính thống nhất, khó tìm, khó tiếp cận; có sự chồng chéo trong cung cấp dịch vụ công giữa các bộ, ngành và các địa phương; chưa bảo đảm tính định danh chính xác người dùng, chưa bảo đảm bí mật nhà nước, thông tin cá nhân, an toàn và an ninh thông tin; các thủ tục hành chính còn phức tạp, nặng nề, nhiều cửa, nhiều khâu trung gian, một số quy định chưa rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý một số lĩnh vực…
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, Nghị định 45/2020/NĐ-CP ra đời đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trên môi trường điện tử từ vấn đề xác thực, định danh cá nhân đến quy trình thực hiện, giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử, trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng và thực hiện giải pháp bảo đảm phương thức, kiểm soát chất lượng thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân, tổ chức trong giao dịch trực tuyến, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Chính sách mới và tác động kỳ vọng
Để giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế phát sinh trong thực tiễn thời gian qua, Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định việc thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tuyến trên môi trường điện tử của tổ chức, cá nhân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc. Quy định này vừa giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, vừa không làm phát sinh chi phí của các cơ quan nhà nước. Quy định như vậy cũng góp phần thay đổi thói quen của người dân, doanh nghiệp trong việc chuyển từ cách thức giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước sang giao dịch trực tuyến qua mạng, góp phần xây dựng công dân điện tử làm nền tảng cho xây dựng kinh tế số, xã hội số trong tương lai.
Nghị định cũng quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm xây dựng, nâng cấp phương tiện, đánh giá chất lượng phương thức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, tổ chức trên môi trường điện tử; đưa ra một số tiêu chí lựa chọn thủ tục hành chính ưu tiên để cung cấp phương thức trực tuyến để nâng cao hiệu quả hoạt động của thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong xây dựng, lựa chọn giải pháp và cung cấp dịch vụ trực tuyến sẽ giúp kiểm soát được chất lượng dịch vụ trước khi vận hành, tránh lãng phí nguồn lực.
Một vấn đề nữa được quy định trong nghị định là trách nhiệm của các cơ quan trong việc số hóa hồ sơ, tài liệu và cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử cho người dân; quy định việc khai thác thông tin của các cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức mà không yêu cầu người dân phải cung cấp lại. Nói cách khác là khẳng định giá trị của hồ sơ, giấy tờ của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, đơn vị dưới dạng điện tử; tạo tiền đề cho sự thay đổi về phương thức phục vụ, hướng đến phương thức phục vụ tại nhà, qua các thiết bị điện tử thông minh để đáp ứng giao dịch giữa người dân và cơ quan nhà nước. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp song song kết quả giải quyết thủ tục hành chính dưới dạng điện tử với kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; công nhận giá trị pháp lý của kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định về việc cấp bản sao điện tử có giá trị pháp lý thông qua giải pháp chứng thực từ bản chính hoặc cấp từ sổ gốc và lưu tại Kho lưu dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Quy định này nằm tạo dữ liệu đầu vào bằng hình thức điện tử, góp phần giảm nhu cầu phát sinh trong chứng thực bản sao từ bản chính do khả năng lưu trữ, nhân bản, tính nguyên vẹn của bản điện tử được ký số. Tính toán từ lượng hồ sơ hiện có, nếu thực hiện chính sách này sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, một nguồn lực không hề nhỏ.
Với những chính sách mới được ban hành một cách thống nhất, cụ thể, minh bạch trong Nghị định 45/2020/NĐ-CP, việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và hồ sơ, giấy tờ điện tử đã có cơ sở pháp lý để được công nhận về giá trị. Bởi vậy, nhiều người tin rằng, những “chốt khóa” chính sách được nghị định mở ra sẽ giúp việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuận lợi hơn, được xã hội đón nhận nhiều hơn, sẵn sàng cho sự bùng nổ của xã hội số, kinh tế số.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)