“Chống dịch như chống giặc”
Về một số tồn tại, khó khăn trong dịp Tết như tình trạng đốt pháo nổ, mưa đá ở một số địa phương, Thủ tướng cho biết, ngay từ mùng 1 Tết, đã chỉ đạo ngay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức đoàn công tác đến vùng bị ảnh hưởng để thăm hỏi, có giải pháp xử lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT có báo cáo tổng hợp về tình hình này để Bộ Tài chính bố trí, xuất nguồn hỗ trợ người dân. Về đốt pháo nổ, sẽ được thống kê để rút kinh nghiệm, trả lời câu hỏi vì sao tình trạng vẫn chưa giảm.
Về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Thủ tướng cho biết, chúng ta đã sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, có nhiều động thái khác nhau chỉ đạo phòng, chống dịch chủ động, toàn diện, mạnh mẽ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, có thể hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng cho rằng, trong lúc khó khăn như vậy, việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo phòng, chống dịch đến người dân khá quyết liệt. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta không thể không có giải pháp mạnh mẽ để bảo đảm phát triển vì năm nay, chúng ta cam kết tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội giao. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ về tác động của dịch nCoV đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu năm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp.
Theo một số thống kê, trong 7 ngày Tết, doanh thu ngành dịch vụ của Trung Quốc đã sụt giảm 144 tỷ USD, GDP có thể giảm mấy phần trăm. Với thế giới, nhiều thị trường chứng khoán giảm điểm. Với Việt Nam, các ngành hàng không, du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu giảm.
Trong quý I-2020, chúng ta có thể giảm tăng trưởng, trước hết là tháng 1, tháng có kỳ nghỉ Tết dài ngày, mà theo nghiên cứu, ước tính ban đầu, có thể giảm tăng trưởng GDP trong quý I/2020 khoảng 1%. Nếu kinh tế Trung Quốc giảm sâu cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
“Trong bối cảnh như vậy, tinh thần và thái độ của chúng ta như thế nào, đó là câu hỏi đặt ra tại phiên họp Chính phủ hôm nay”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất. “Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể”, Thủ tướng nêu rõ. Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các giải pháp tốt hơn với tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Sự chậm trễ của bộ này, ngành kia, của tỉnh nọ, thành phố kia phải được khắc phục sớm hơn để thúc đẩy phát triển.
Kiên quyết không đình trệ sản xuất
Cần khắc phục cho được các bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình xây dựng cơ bản lớn, vấn đề chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, thị trường du lịch, tái cơ cấu ngành hàng không… “Chúng ta thấy hình ảnh nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rất hăng hái trong phát triển kinh tế. TP Hồ Chí Minh đã có dự án gần 1 tỷ USD. Ở Hải Dương, đã có những giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn. Tổng mức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp được thành lập…”, Thủ tướng nêu rõ, điều đó cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ về sự tiến bước của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách. Thủ tướng nhấn mạnh, chống dịch quyết liệt nhưng không được hoang mang, dao động. Việc cho học sinh nghỉ học là cần thiết vì một là phải vệ sinh trường học, hai là ý thức phòng bệnh của học sinh còn chưa tốt, và nếu không học thời gian này có thể tổ chức học bù sau. Còn đối với các cơ sở sản xuất thì phải làm việc bình thường, không để đình trệ sản xuất.
Tại phiên họp, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã có những báo cáo đánh giá tình hình tháng 1-2020, đặc biệt là những tác động của dịch bệnh nCoV đối với các hoạt động kinh tế-xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho cả năm sau khi có dịch bệnh corona. Trong đó, do Việt Nam và các nước đều thực hiện các biện pháp phòng dịch nên kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh đặc biệt là hàng nông sản, dệt may, điện thoại. Khách du lịch giảm mạnh, đặc biệt là khách Trung Quốc. Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là sản xuất rau quả. Cùng với đó, dịch cúm gia cầm H5N1 đang có dấu hiệu quay trở lại ở Trung Quốc, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang còn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa hết các tác động. IMF hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ là 3,3%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý 2 thì tăng trưởng GDP khó có thể đạt được mức 6,8%, thậm chí kịch bản xấu thì tăng trưởng GDP cả năm 2020 có thể chỉ đạt 6,09%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dịch bệnh nCoV tác động đến kinh tế toàn cầu, chưa chuyên gia nào được dự đoán được mức ảnh hưởng tới đâu. Đối với ngành nông nghiệp, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, với giá trị kim ngạch đến 8,2 tỷ USD, trong tổng số 40 tỷ USD xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang rà soát các nhóm nông sản tổn thương lớn như: Rau quả, đồ gỗ, cao su, thủy sản, sắn... để có giải pháp kịp thời. Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng cần phải tổ chức thị trường nông sản trong nước để tăng cường tiêu thụ thanh long, dưa hấu không xuất sang Trung Quốc được; tăng cường chế biến; dùng các kho chứa để trữ thanh long, dưa hấu đang đến kỳ thu hoạch.
Tuy khó khăn rất lớn, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết ngành NN&PTNT sẽ không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng, không thay đổi chỉ tiêu xuất khẩu, mà sẽ đề ra biện pháp quyết liệt hơn để nỗ lực hoàn thành.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần có giải pháp để tăng cường xuất khẩu nông sản qua đường chính ngạch qua cảng biển Phòng Thành, vì xuất khẩu chính ngạch qua cảng biển không bị Trung Quốc hạn chế, nhưng lại có mức thuế lên tới 13%. Do đó cần phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản cho nông dân, tránh gây ùn ứ hàng hóa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mặc dù không ít thách thức nhưng vừa qua, Việt Nam vẫn giữ vững được tỷ giá và có đủ kinh nghiệm, đủ nguồn lực để tiếp tục giữ vững tỷ giá. Thống đốc cũng đề nghị các bộ ngành thực hiện tốt các giải pháp để kiềm chế lạm phát. Trong tháng 1, ngành ngân hàng đã mua thêm được 4 tỷ USD để dự trữ.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, thứ 6 tuần này sẽ có cuộc họp với các ngân hàng thương mại để rà soát những ngân hàng nào có tín dụng lớn đối với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu... để từ đó có các giải pháp phù hợp cho lĩnh vực này, giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Tại phiên họp, nhiều thành viên Chính phủ nhấn mạnh giải pháp thông tin để cùng với việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải bảo đảm ổn định tâm lý, tránh gây hoảng loạn, để cho xã hội hoạt động bình thường, nền kinh tế phát triển.
Theo QUANG PHƯƠNG/Báo Qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)