Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9. (Ảnh: DUY LINH)
Tóm tắt kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Đảng, Quốc hội đề ra, đồng thời nâng cao hiệu quả trong trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Cụ thể, khung khổ pháp lý liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã từng bước được hoàn thiện. Giai đoạn 2016-2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chất lượng xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao.
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng gọn, nhẹ, hiệu lực, hiệu quả; giảm 13,5% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW (tối thiểu bình quân cả nước giảm 10%). Tinh giản biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết số 39/NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện Đoàn giám sát trình bày báo cáo. (Ảnh: DUY LINH)
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản nhà nước, đất đai và tài nguyên, khoáng sản.
Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên cũng đạt được những kết quả bước đầu. Một số địa phương đã chú trọng xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Cùng với những kết quả đạt được, dự thảo Báo cáo đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế đối với một số lĩnh vực trọng tâm của chuyên đề giám sát: hoàn thiện các cơ chế, chính sách; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
Xây dựng lộ trình xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chưa rõ, chưa đầy đủ, còn mâu thuẫn, chồng chéo liên quan đến pháp luật ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng tài sản công, đấu thầu, đất đai và các pháp luật chuyên ngành có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9. (Ảnh: DUY LINH)
Chú trọng và đẩy mạnh công tác đánh giá chính sách sau khi ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập nhằm hạn chế các thất thoát, lãng phí nguồn lực công và nguồn lực xã hội; rà soát lại toàn bộ việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế,… xử lý bằng công văn, quyết định hành chính không đúng thẩm quyền.
Tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI; kịp thời thu hồi và xử lý các khoản nợ đọng thuế, đặc biệt là các trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; giải quyết dứt điểm các tồn đọng về thuế để bảo đảm quyền lợi nhà nước và các nhà đầu tư, bảo đảm mặt bằng cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong lĩnh vực y tế, đề nghị Chính phủ chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 đưa các bệnh viện, các cơ sở y tế đã hoàn thành vào khai thác, sử dụng; xây dựng phương án sử dụng hoặc điều chuyển các trang thiết bị y tế hiện đại đắp chiếu nhiều năm tại một số bệnh viện, cơ sở y tế; kiểm soát chặt chẽ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đặc biệt là danh mục dự án đầu tư các cơ sở y tế bố trí vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả…
Về lĩnh vực đầu tư công, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch lộ trình để tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong các dự án sử dụng vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA chậm tiến độ.
Thống kê đầy đủ các dự án BT và các dự án BOT đang triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; xử lý dứt điểm các tồn đọng các dự án BT dở dang. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ bàn giao, quản lý, khai thác, sử dụng các dự án hoàn thành để sớm phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công dở dang, không thể tiếp tục thực hiện hoặc thấy rõ không hiệu quả cần sớm đánh giá, dừng thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là cuộc giám sát có quy mô, phạm vi rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát, cho rằng dự thảo báo cáo kết quả giám sát cơ bản bám sát mục tiêu, định hướng đặt ra trong đề cương giám sát.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo báo cáo cần làm rõ hơn mục tiêu, quan điểm, định hướng của cuộc giám sát chuyên đề này, trong đó nhấn mạnh quy mô của cuộc giám sát, với sự tham gia của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố…
Đồng tình với một số nội dung lớn trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ về việc phát động cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cả nước, giao Chính phủ tổ chức phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, và cần phải nhấn mạnh nội dung này.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, kiến nghị, đề xuất đối với từng lĩnh vực trong dự thảo Nghị quyết cần cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đồng thời quy định rõ thời gian và thời hạn thực hiện.
Nguồn: VĂN TOẢN/nhandan.vn
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)