Kiên quyết đưa ra khỏi ngành Y tế những cá nhân không còn xứng đáng
EmailPrintAa
08:09 02/04/2014

Chiều 1/4, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng đàn trả lời về những vấn đề nóng của ngành y tế.

Tại phiên họp, Bộ trưởng đã tập trung làm rõ một số nội dung về y đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân; giá thuốc chữa bệnh và an toàn thực phẩm.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về việc thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao vấn đề y đức, tuy nhiên chưa có nhiều chuyển biến và giải pháp đột phá của Bộ để y đức được chuyển biến tích cực hơn? Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân khách quan của tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ ngành y tế thời gian qua là do sự quá tải ở các bệnh viện khiến người bệnh, gia đình người bệnh và cả nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng thẳng, bức xúc, nên dễ xảy ra tình trạng thực hiện chưa đúng các quy định về giao tiếp, ứng xử. Cùng với đó, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế còn bất cập. Lương và phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp, đứng thứ 17/18 bộ, ngành, không tương xứng với thời gian đào tạo (6 năm) và môi trường và điều kiện làm việc vất vả, đầy áp lực.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Y đức” là “đạo đức nghề nghiệp” của người làm nghề y. Bất kỳ một ngành nghề nào cũng cần có “đạo đức nghề nghiệp”. Nhưng muốn có “đạo đức nghề nghiệp” trước hết cần phải có “đạo đức con người” nói chung. Một người không thể có “đạo đức nghề nghiệp” tốt nếu như bản thân người đó không có đạo đức cơ bản của con người.

Theo Bộ trưởng Tiến, nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế, thời gian gần đây, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 01/4/2013 về tăng cường các giải pháp thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt là Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Bên canhgj đó, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với các sinh viên trong các trường y dược và đối với các công chức, viên chức y tế...

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về việc cấp phép và quản lý các cơ sở y tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một trong những nguyên nhân dân đến nhiều cơ sở y tế hoạt động không phép là có những thủ tục rất khó thực hiện và phải chờ đợi lâu, như lý lịch tư pháp, hệ thống xử lý nước thải… Bộ Y tế và Bộ Tư đã pháp tháo gỡ bằng cách thống nhất cho cơ sở y tế tư nhân được hoạt động trước khi được cấp những thủ tục vừa nêu. Còn việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân, Bộ đã phân cấp rõ, chủ yếu là do Sở Y tế các tỉnh thành cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, Bộ vừa ban hành Thông tư hướng dẫn rút chứng chỉ hành nghề đối với các cơ sở y tế tư nhân sai phạm nghiêm trọng và vi phạm nhiều lần… 

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đã đặt câu hỏi về hiệu quả của đường dây nóng (ĐDN) y tế như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sau 6 tháng triển khai thực hiện ĐDN y tế đã có 6.700 cuộc gọi đến ĐDN trong đó có hơn 2.000 gọi đúng về nội dung tiếp nhận của ĐDN. Trong số đó có 40% cuộc gọi liên quan đến thái độ của cán bộ y tế, 12% cuộc gọi liên quan đến vấn đề viện phí, 22% cuộc gọi phàn nàn về việc làm sai quy định về quy trình, quy định tại BV và 25% cuộc gọi phàn nàn về cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều thư khen ngợi các thầy thuốc gửi đến báo Sức khỏe & Đời sống. Qua các kênh thông tin này, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế các địa phương đã tìm hiểu, xác minh. Đối với những cá nhân, đơn vị xuất sắc, chúng tôi đã kịp thời khen thưởng để động viên các thầy thuốc. Đối với các trường hợp sai phạm về y đức, thái độ ứng xử với người bệnh, người nhà người bệnh… chúng tôi đã có nhiều hình thức xử lý nghiêm như phê bình, cảnh cáo trong giao ban toàn bệnh viện, luân chuyển vị trí công tác, cắt thi đua… 

Về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm liên tiếp xảy ra trong ngành y thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết có hai nguyên nhân chính đó là do "tai biến" y khoa và do tiêu cực. Về tai biến y khoa, thời gian qua rất nhiều thầy thuốc đầu ngành, kể cả các Tổng hội Y học, Dược học, các chuyên gia nước ngoài đã nhắc tới trong nhiều diễn đàn.

Bộ trưởng khẳng định, đối với lĩnh vực y tế, một khi có khám chữa bệnh thì có thể là khỏi bệnh, có thể để lại biến chứng và có thể thậm chí tử vong. Còn chữa bệnh thì còn tai biến. Đây là những lỗi của y khoa mà nền y học vẫn bất lực và có lẽ phải mấy trăm năm nữa vẫn còn!

Theo lý giải của Bộ trưởng, có những nguyên nhân xảy ra tai biến y khoa rất đặc thù, ví dụ như trường hợp quả thận móng ngựa của bệnh nhân Tú ở Cần Thơ, đây là trường hợp cá biệt đi vào lịch sử y văn, cho nên người thầy thuốc khó có thể tránh được sai sót. Loại thứ hai là sai sót do sơ ý của người thầy thuốc và sai sót do vô trách nhiệm và những sai sót do nguyên nhân khác.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, giống như các nước là phải thành lập những nghiệp đoàn y – dược sĩ và các hội đồng y khoa với các luật sư hiểu biết về y tế, để có những phán quyết khách quan, vừa bảo vệ lợi ích cho người bệnh, vừa bảo vệ cán bộ y tế.

Bên cạnh đó, bà Tiến cũng chỉ ra loại tai biến gây ra do tiêu cực, như trường hợp ở Bệnh viện Hoài Đức – Hà Nội; bên cạnh đó là “tai biến do đạo đức nghề nghiệp” – tức là không có trách nhiệm, không có tình thương với bệnh nhân, nhũng nhiễu, đòi hỏi, tắc trách…

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về việc khi nào chấm dứt tai biến? Bộ trưởng Y tế khẳng định, bản thân bà không dám trả lời chính xác câu hỏi này, chỉ có cách là hạn chế bớt. Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết: thứ nhất, ngành Y đã ra các văn bản quy phạm pháp luật; thứ hai là tăng cường công tác thanh kiểm tra; thứ ba là giáo dục; và thứ tư là phối hợp rất chặt chẽ giữa người bệnh, gia đình người bệnh và người thầy thuốc.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm khắc tất cả các sai sót, điển hình là vụ Bệnh viện Hoài Đức đã được tòa án xử lý; các trường hợp sai phạm khác đều được họp hội đồng hoặc xử lý hành chính, hình sự.

Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất đạo đức, nhưng cũng động viên kịp thời những người có tâm huyết” – Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề đấu thầu thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ đã trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược, đưa ra các phương án đấu thầu thuốc, trong đó có phương thức đấu thầu tập trung toàn quốc. Liên quan đến chức năng của Bộ Y tế và các Bộ, ngành khác trong quản lý an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Nghị định 38 của Chính phủ đã phân định rõ; tuy nhiên vẫn còn những mảng giao thoa, nhất là về cấp phép nên liên Bộ đang phối hợp xây dựng thông tư để thực hiện cấp phép một cửa.

Về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trả lời câu hỏi băn khoăn của một số đại biểu đưa ra ý kiến qua tiếp xúc cử tri nhiều cử tri đã đưa ra vấn đề ngộ độc thực phẩm làm gây nguy cơ ung thư, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá hoang mang vì thông tin thực phẩm gây ung thư. Hiện nay ung thư có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, do môi trường sống, do di truyền và  biến đổi ren… Thực phẩm cũng là một yếu tố nếu có nấm mốc. Tuy nhiên, coi ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân gây ung thư là không có căn cứ.

Kết thúc phiên chất đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục rà soát hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của đường dây nóng. Đồng thời phối hợp với cơ quan báo chí lắng nghe góp ý của nhân dân, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc. Tổ chức thí điểm một số khoa, phòng của bệnh viện công thực hiện chấn chỉnh y đức gắn với chính sách bảo đảm nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức làm việc trong bệnh viện theo cơ chế thị trường bằng nhiều nguồn tài trợ, có sự hỗ trợ từ nhà nước, từ đó tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình hiệu quả nhất, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri cả nước.

Bộ Y tế cũng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp để làm giảm tải bệnh viện, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về khắc phục tình trạng quá tải trong thực tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện vệ tinh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến huyện... Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp các trạm y tế xã, bảo đảm theo lộ trình đến năm 2020 hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường kiểm soát, có giải pháp cụ thể để tăng cường quản lý thuốc, giá thuốc, giá dịch vụ y tế, đặc biệt là giá thuốc nhập khẩu... Đẩy mạnh việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm với trách nhiệm là đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành liên quan.../.


    Ý kiến bạn đọc