Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các cấp các ngành, chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch, mặc dù về cục bộ có một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang tình hình có phức tạp hơn nhưng đến giờ này, chúng ta từng bước đẩy lùi được dịch ở các địa bàn trọng điểm nói trên.
Thủ tướng nhận định, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, do đó không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả mà rất vất vả mới đạt được. Dịch lần sau bao giờ cũng lớn và phức tạp hơn lần trước. Sắp tới, chúng ta vẫn phải thực hiện trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhưng kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công. Phòng ngừa vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ khi chưa dịch. Tấn công là cấp bách, đột phá, đó là: chủ động xét nghiệm ở những nơi chưa có dịch, thần tốc nơi có dịch; vaccine là chiến lược, là quyết định; ứng dụng công nghệ bắt buộc. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện công nghệ phục vụ chống dịch. Các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phòng chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra.
Về tình hình kinh tế - xã hội, do đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế tháng 5 và 5 tháng qua có nhiều dấu hiệu tích cực, đạt một số hiệu quả nhất định, trong đó có việc góp phần quan trọng bảo vệ, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng công nghiệp được duy trì; nông nghiệp được mùa, thu hoạch, tiêu thụ sản tương đối tốt. Thu ngân sách đạt khá, sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo tăng cao; kiểm soát lạm phát tốt nhất từ năm 2016 tới nay; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định. Trong khó khăn chúng ta cũng thấy điểm sáng là đại đoàn kết được củng cố, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng tăng lên.
Bên cạnh đó Thủ tướng chỉ ra cả những hạn chế, bất cập: thứ nhất, vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng, chống dịch; và có những cơ quan chức năng chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện giải pháp. Thứ hai, đầu tư công vẫn chậm, vẫn khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ. Thứ ba, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất mà đầu ra chưa có do ảnh hưởng dịch bệnh, cho nên biểu hiện nhập siêu có tăng, do đó cần cảnh tỉnh, có giải pháp. Thứ tư, một điểm yếu của nền kinh tế là xuất khẩu vẫn phục thuộc chủ yếu vào đầu tư FDI, tới gần 75%; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính rườm rà; một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng bị dịch; chiến lược vaccine triển khai còn chậm; tội phạm, nhất là tội phạm trên mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng xã hội tương đối lớn; công tác tuyên truyền chưa được làm tốt…
Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân, chủ quan là chính, một số bộ ngành chưa nắm chắc tình hình, bám sát tình hình, dẫn đến đưa giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng; vướng mắc về thể chế; các cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ; một số cá nhân, người đứng đầu chưa thật sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao; thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, vướng mắc; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại…
Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn và thách thức đan xen, dự báo khó khăn thách thức nhiều hơn vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn, ảnh hưởng lớn hơn và xu thế dịch bệnh thế giới và các nước chung quanh ta chưa được kiềm chế có hiệu quả. Do đó chúng ta không được lơ là chủ quan, phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường đi lên.
Mục tiêu, phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi và ngăn chặn hiệu quả làn sóng dịch lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch; giữ vững ổn định chính trị, an ninh an toàn cho người dân, củng cố và tăng cường đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội và nhất là các đối tượng chịu tác động bởi dịch và các đối tượng yếu thế. Phấn đấu tối đa để hoàn thành mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Quốc hội giao.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Thủ tướng chỉ rõ: Thứ nhất, phải tăng cường nhận thức, rõ hơn về những khó khăn, thách thức, vướng mắc mà chúng ta phải đối diện còn rất nhiều, phải nỗ lực và cố gắng rất nhiều; ngược lại, không vì khó khăn, thách thức mà bi quan, hoang mang, lo sợ, mất bản lĩnh; phải biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn dấu, vươn lên khẳng định và phát triển.
Thứ hai , lãnh đạo, điều hành phải bám sát tình hình, nắm chắc tình hình, nhất là tình hình thực tiễn diễn ra tại cơ quan địa phương đơn vị mình, từ đó có lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, đúng hướng; sát tình hình, khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Thứ ba, thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa phải hài hòa, hợp lý để vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát, vừa phải phát triển, bảo đảm tăng trưởng.
Thứ tư, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các vấn đề tồn tại, như ngân hàng 0 đồng, 12 dự án thua lỗ, yếu kém, hay những vướng mắc làm cho nền kinh tế bị ảnh hưởng. Phải có những giải pháp quyết liệt hơn.
Thứ năm , tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách. Bộ, ngành, địa phương nào không xem xét, đề xuất các vấn đề này thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh các cơ chế, chính sách liên quan chiến lược vaccine, đầu tư công, cân đối xuất nhập khẩu, kinh tế vĩ mô… Ai làm tốt thì phải được khen thưởng, ai không làm tốt thì phải bị xử lý tùy theo mức độ.
Thứ sáu, các cấp, các ngành phải rà soát về đầu tư công; Thủ tướng biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quyết liệt để rà soát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc bố trí vốn đầu tư công sát tình hình, bám sát ba đột phá, sáu trọng tâm, an sinh xã hội, cương quyết cắt giảm các dự án dàn trải, manh mún kéo dài. Do đó chúng ta phải có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn và tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Phải hài hoà giữa các cực tăng trưởng và các vùng khó khăn.
Thứ bảy , siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt là phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên 10%; cương quyết cắt giảm chi tiêu hành chính không cần thiết.
Thứ tám, ban hành mới Nghị quyết về chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 trong đợt này.
Thứ chín, bảo đảm an ninh quốc phòng, trong đó, Thủ tướng biểu dương lực lượng công an quân đội làm tốt công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, cư trú trái phép; đồng thời đề nghị tiếp tục tăng cường làm tốt hơn nữa công tác này.
Thứ 10 , chuẩn bị tốt các báo cáo Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chương trình công tác năm 2021.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng biểu dương các cấp chính quyền, đặc biệt là các địa phương vừa qua có dịch bùng phát như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng tuyến đầu, quân đội, công an, đặc biệt là y tế… đã rất quyết liệt trong phòng, chống dịch.
Nguồn: Thanh Giang/nhandan.com.vn
Tin mới cập nhật
- Làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á ( 22/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia ( 22/11)
- Tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc sắp xếp, mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị Việt Nam ( 22/11)
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)