Kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2022 đạt những thành tựu rất quan trọng
EmailPrintAa
22:15 27/10/2022

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá, 9 tháng và dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng kinh tế - xã hội.

Thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước ngày 27-10, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự phấn khởi trước kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua của năm 2022; đồng thời nêu ra một số kiến nghị để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xem xét nhằm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ cả năm, đề ra phương hướng năm 2023.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua là hết sức trân quý

Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới không thuận lợi thì những kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua là hết sức trân quý.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế cao; công tác xây dựng hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, suất siêu, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường, độc lập chủ quyền được giữ vững, góp phần tăng cường củng cố và nâng cao uy tín vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị một số giải pháp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới không thuận lợi, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua là hết sức trân quý. Ảnh: VPQH.

Trong thời gian tới, theo đại biểu, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Cùng với đó, theo đại biểu TP Hồ Chí Minh, đời sống của người dân, một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, gia đình có người thân mất do dịch Covid-19, hộ bị thiên tai, lũ lụt, cán bộ hưu trí về hưu trước năm 1995... Do đó, đại biểu kiến nghị cần tăng cường chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, nhất là dịp lễ, Tết; quan tâm hơn nữa đến thu nhập cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông.

Đặc biệt, đại biểu lưu ý đến vấn đề thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Theo đại biểu, mặc dù các bộ liên quan đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Cho rằng giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đại biểu đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Làm rõ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngược với thế giới

Thể hiện đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Hoàng Ngân và các đại biểu phát biểu trước, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) nhấn mạnh, kết quả 9 tháng của năm và dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng. Theo đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, 14/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt; có chỉ tiêu vượt xa, trong đó GDP vượt 2,0% chỉ tiêu Quốc hội giao...

Những thành tựu quan trọng, cơ bản đó đã chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hiệu quả; trách nhiệm, sự chủ động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, cùng với đó là sự nỗ lực, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân...

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) nhấn mạnh, kết quả 9 tháng của năm và dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt được những thành tựu rất quan trọng. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, đại biểu Lê Hoàng Anh thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế bất cập, trong đó có một số điểm có tính chất ngược, cần phân tích làm rõ hơn.

Thứ nhất, theo đại biểu, cần làm rõ vì sao khi Việt Nam GDP tăng, thế giới lại giảm và ngược lại: Năm 2020, GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021, thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam lại giảm còn 2,58%. Chín tháng của năm 2022, Việt Nam tăng 8,0%, còn thế giới giảm 3,2%.

“Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng lại đang ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình, đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành, bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững”, đại biểu lưu ý.

Nguồn: NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/kinh-te-xa-hoi-viet-nam-9-thang-nam-2022-dat-nhung-thanh-tuu-rat-quan-trong-709272 )


    Ý kiến bạn đọc