Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm
EmailPrintAa
08:37 12/12/2012

Sáng 11/12, tại Hà Nội đã khai mạc Phiên họp thứ 13, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII. Tại Phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 4 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII...

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 4, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; về công tác xây dựng pháp luật, một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Hòa giải cơ sở sẽ được tập trung thảo luận. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thảo luận nhiều nội dung quan trọng khác.

Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: Với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc của Kỳ họp, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012, tạo đà phát triển bền vững cho năm 2013 và những năm tiếp theo, góp phần đưa hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức ngày càng gần dân hơn, công khai hơn, minh bạch hơn.

Các vấn đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận, xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định với sự đồng thuận cao. Các báo cáo được chuẩn bị chu đáo, các nghị quyết thông qua bảo đảm chất lượng, quyết định các vấn đề phù hợp với tình hình đặt ra, chú trọng giải pháp thực hiện và có tính khả thi cao... Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình và ghi nhận thái độ nghiêm túc nhận trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm trong điều hành của Chính phủ; đồng thời xem đây là hiệu ứng tốt của việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Các ý kiến trao đổi giữa đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã góp phần giải tỏa những bức xúc của cử tri trước nhiều vấn đề hiện tại của đất nước như: Hàng tồn kho cao, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu, thị trường vàng diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bị giải thể, vấn đề quy hoạch và chất lượng công trình thủy điện...

 

 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII được đại biểu và cử tri đánh giá cao.
Ảnh: Mạnh Hùng

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ 4 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm như: Số lượng dự án luật trình Quốc hội tương đối nhiều, nên khó đảm bảo chất lượng thảo luận; một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi còn dài, chưa đi thẳng vào nhóm vấn đề được Đoàn Chủ tịch gợi ý; một số vấn đề chưa được trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm, đôi khi còn được mở rộng không cần thiết; một số ý kiến thảo luận còn dài, trùng lắp, đặt vấn đề chưa sâu…

Theo Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII,  dự kiến Quốc hội sẽ làm việc khoảng 22,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ hai, ngày 20/5/2013 và bế mạc vào thứ ba, ngày 18/6/2013.

Dự kiến xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ ban giai đoạn 2006-2012”…; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội bầu và phê chuẩn…

Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, qua tiếp xúc cử tri, hầu hết đánh giá cao chất lượng Kỳ họp thứ 4 với nhiều nội dung được đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cơ quan soạn thảo cần chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ hơn về câu chữ, nội dung, hình thức vì có những dự án luật họp quá nhiều, không cần thiết, trong khi có nhiều nội dung quan trọng khác không bố trí được thời gian như giám sát chuyên đề của Quốc hội. Về chương trình Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo, tờ trình, giải trình tiếp thu còn dài. Cần bố trí thời gian nghe báo cáo, tờ trình hợp lý, khoa học hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai yêu cầu, sau khi thảo luận ở tổ phải có 1 bước tiếp thu trước khi đưa ra thảo luận ở hội trường. Bên cạnh đó, chương trình Kỳ họp cần được bố trí hợp lý hơn, không nên để một buổi trình bày gần 10 báo cáo. Các chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội cần có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ để có báo cáo hoàn chỉnh hơn. Về phiên họp chất vấn, đại biểu chỉ nên đặt 1 hoặc 2 câu hỏi, có thể đi sâu trình bày, chọn những vấn đề nóng, không nên đặt 3-4 câu hỏi chất vấn.

Đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thảo luận ở hội trường là thảo luận mở. Tuy nhiên, một số nội dung bố trí thảo luận ở hội trường còn dài, nhiều ý kiến phát biểu còn trùng lắp nên mất khá nhiều thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong các kỳ họp tới, sau khi thảo luận ở tổ sẽ tổng hợp lại, đoàn thư ký kỳ họp sẽ chọn ra vấn đề để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội gợi ý để thảo luận ở hội trường, đi sâu vào các giải pháp để giải quyết những thực trạng.

Cũng có ý kiến cho rằng, tại phiên họp chất vấn, công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch có nhiều cải tiến, đổi mới so với các kỳ họp trước, thể hiện kinh nghiệm với phương pháp điều hành linh hoạt, dứt khoát, đặc biệt sau từng nội dung chất vấn đều được hệ thống lại. Điều này đã tạo được không khí sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, xây dựng. Việc định hướng nhóm vấn đề trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn làm cho nội dung chất vấn tập trung hơn. Tuy nhiên, cách đăng ký “xếp hàng” để làm cho việc chất vấn và trả lời chất vấn dễ bị phân tán, chưa đi đến cùng vấn đề…

Chiều nay, theo chương trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2013 của các cơ quan của Quốc hội./.


    Ý kiến bạn đọc