Ký kết hợp đồng BOT dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt
EmailPrintAa
17:25 13/05/2021

Ngày 13-5, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (Hợp đồng BOT) dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 49,3km, thuộc phạm vi 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m; vận tốc thiết kế 80km/giờ. Trên tuyến xây dựng đồng bộ các công trình và tiện ích hiện đại, trong đó có hầm Thần Vũ dài khoảng 1.100m và cầu Hưng Đức dài khoảng 4km. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090,09 tỷ đồng (gồm 20% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và nguồn vốn khác), vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 6.067,73 tỷ đồng. Thời gian xây dựng khoảng 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ký kết hợp đồng dự án Diễn Châu-Bãi Vọt. Ảnh: MINH ĐỨC

Liên danh nhà đầu tư của dự án gồm Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - Công ty CP Đầu tư và xây dựng VINA2. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng. Theo đánh giá của Bộ GTVT, dự án triển khai cơ bản bám sát tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Bộ GTVT đã tổ chức sơ tuyển, đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư ngay sau khi đủ điều kiện thực hiện.

Đây là một trong những dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước để đánh giá tài chính thương mại, được cập nhật quy định chuyển tiếp của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) và các nghị định hướng dẫn trong quá trình đàm phán hợp đồng. Dự án triển khai với nhiều giải pháp, khắc phục các tồn tại của các dự án triển khai trước đây như: Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây dựng để tăng tính khả thi; tuyến đường được xây dựng mới bảo đảm sự lựa chọn cho người sử dụng; mức phí được xác định ngay từ ban đầu sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng...

Việc tổ chức đàm phán, ký hợp đồng dự án ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, còn mang ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và là tín hiệu tích cực đối với môi trường đầu tư PPP về hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Nguồn: Mạnh Hưng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/ky-ket-hop-dong-bot-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-doan-dien-chau-bai-vot-659429 )


    Ý kiến bạn đọc