Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng 20/8/1888 - 20/8/2013: Sáng ngời nhân cách lãnh tụ
EmailPrintAa
09:33 20/08/2013

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 tại Cù Lao Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên - An Giang). Mảnh đất Nam bộ bất khuất, kiên cường đã hun đúc nên một con người suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi vì Tổ quốc, vì nhân dân...

Năm 1909, tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ Viễn Đông, Tôn Đức Thắng làm công nhân Nhà máy Ba Son ở Sài Gòn. Năm 1914, ông bị bắt lính sang Pháp, làm thợ máy cho một đơn vị hải quân Pháp, tại đây ông đã tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của thực dân Pháp vào nước Nga Xô viết tại Hắc Hải năm 1919 để bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết trẻ tuổi. Đây là một sự kiện được nhân dân Liên Xô cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ thế giới khâm phục, ngợi ca. Năm 1920, ông về nước xây dựng cơ sở Công hội đỏ và vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925). Cuối năm 1926, khi nhận được chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tán thành con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Người.

Có thể nói, ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh cho lòng yêu nước chân chính của Tôn Đức Thắng. Năm 1927, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Nam Kỳ thành lập. Tôn Đức Thắng được cử là một thành viên trong ban lãnh đạo Kỳ bộ và trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên cương vị này, Tôn Đức Thắng đã tích cực tuyên truyền giác ngộ và cùng các đồng chí của mình tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một đảng mác-xít chân chính ở Việt Nam. Cuối năm 1929, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ thì Tôn Đức Thắng bị mật thám bắt, đưa về khám lớn Sài Gòn và dùng mọi cực hình tàn bạo hòng khai thác tin tức. Nhưng chúng đã thất bại trước khí phách kiên cường, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Chúng kết án Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Ở nơi “địa ngục trần gian”, Tôn Đức Thắng vẫn vững lòng tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cùng các đồng chí ở đây thành lập chi bộ đặc biệt và trở thành một trong những người lãnh đạo của chi bộ cùng anh em trong tù tiếp tục đấu tranh.

Những năm tháng sống nơi ngục tù tăm tối ấy, tinh thần người chiến sỹ cách mạng trong ông càng bừng sáng. Nhà tù Côn Đảo đã làm người thanh niên miền Nam hiền hậu lớn lên cùng lịch sử. Thế nên, sau thành công của Cách mạng tháng Tám, vừa trở về đất liền ông lại hăng hái cùng quân dân miền Nam chiến đấu. Sau đó được điều ra Bắc, lần lượt đảm nhiệm các trọng trách: Phó Hội trưởng Hội Liên Việt, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng luôn nêu cao phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc… Là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng của ông còn vang xa trên thế giới, được nhiều người ngưỡng mộ.

Nhà sử học Christoph Giebel (Khoa Sử Đại học Washington - Hoa Kỳ) nhận xét: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người khiêm tốn, giản dị, sống thật với bản chất và lý tưởng của mình, ông ấy được mô tả là một nhà cách mạng kiểu mẫu. Thật là một người bình thường vĩ đại”. Ông mất đi, để lại cho đồng bào niềm tiếc thương vô hạn. Điếu văn tiễn đưa ông nhấn mạnh: “Toàn thể đồng chí và đồng bào chúng ta rất tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng của đồng chí. Chúng ta quyết mãi mãi noi gương cao cả của đồng chí để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng… Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tháng tám mùa thu lịch sử của dân tộc. Đi giữa cờ hoa rợp trời, lòng người Việt Nam lại chùng xuống trong khoảnh khắc nhớ về Bác Tôn - một con người bình thường mà vĩ đại, một nhân cách sáng ngời của dân tộc Việt Nam…


    Ý kiến bạn đọc