Thế kỷ XX, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lập nên những chiến công vĩ đại, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử hào hùng nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã chủ trương Việt Nam làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [1]. Vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành thắng lợi từng bước trong hai cuộc tổng diễn tập đầu tiên 1930 - 1931, 1936 - 1939, tạo tiền đề để giành thắng lợi to lớn trong cao trào cách mạng 1939 -1945, với đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1945, phát xít Đức đang bên bờ diệt vong, phát xít Nhật lâm vào tình thế khốn quẫn, mâu thuẫn Nhật - Pháp ở Đông Dương đã lên tới đỉnh điểm. Đêm mồng 9/3, khi Nhật nổ súng đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) và đưa ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời, thận trọng và sáng tạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh; trong đó xác định: Kẻ thù chính của cách mạng lúc này là phát xít Nhật và chủ trương thay khẩu hiệu “đánh đuổi Nhật, Pháp” bằng khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật”.
Từ đây, cách mạng Việt Nam bước sang thời kỳ mới - thời kỳ tiền khởi nghĩa, thời kỳ cao trào chống Nhật cứu nước. Cao trào cách mạng phát triển rộng rãi, sôi nổi, phong phú về hình thức và nội dung như: Phong trào phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân, phong trào chống thuế, phong trào khởi nghĩa từng phần diễn ra ở nhiều nơi và giải phóng hàng loạt các thị xã, châu, huyện ở các tỉnh phía Bắc…
Ngày 9/5/1945, Đức đầu hàng đồng minh. Lúc bấy giờ phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thời cơ thắng lợi đã tới! Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. 23 giờ ngày 13/ 8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra “Quân lệnh số I” hạ lệnh tổng khởi nghĩa:
... “Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!
…Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!
…Thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”
Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh. Ngay sau đó, ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Không khí Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi nổi khắp cả nước. Từ ngày 14 đến ngày 18/8/1945, quần chúng nhân dân các tỉnh miền Bắc đã nổi lên giành chính quyền cấp xã, cấp huyện rồi tiến lên giành chính quyền ở tỉnh. Ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương, Quảng Nam giành được chính quyền tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước. Ngày 19/8 khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi, ngày 23/8 giành thắng lợi ở Huế, ngày 25/8 giành thắng lợi ở Sài Gòn. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền đã thành công rực rỡ trong cả nước vào ngày 28/8/1945. Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” [2]
“Cách mạng tháng Tám là kết quả của 80 năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp. Nó cũng là một biến cố vĩ đại nhất của nước ta từ khi Quang Trung đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh (1789) đến nay” [3]. Cuộc Cách mạng đã đập tan ách thống trị của đế quốc và phong kiến, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dân chủ, đưa Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp trở thành một Đảng nắm chính quyền. “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở thành một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới” [4]. Lần đầu tiên một dân tộc nhược tiểu đã tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân, phá tan một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Cuộc Cách mạng đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do.
Trong giai đoạn lịch sử ấy Hà Tĩnh là một trong những vùng đất ác liệt nhất của chiến tranh, là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, vì vậy địch xem đây là trọng điểm đánh phá, ngày đêm công kích, ném bom bắn phá dữ dội, với nhiều thủ đoạn để nhằm dập tắt phong trào cách mạng. Nhưng với ý chí quật cường, lòng kiên trung, tinh thần đoàn kết, thống nhất người dân Hà Tĩnh đã biến nơi đây thành vùng đất có phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng phát triển sôi nổi, sớm nhất trong toàn quốc, mà đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 -1931) - cuộc tổng diễn tập của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để tiến tới Cách mạng Tháng Tám. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, Hà Tĩnh là một trong bốn tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, chỉ trong một thời gian ngắn từ 16/8 đến 21/8/1945 nhân dân Hà Tĩnh đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử, giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến. Cuộc Cách mạng thành công, chính quyền nhân dân tỉnh đã tuyên bố huỷ bỏ mọi pháp luật của chế độ thực dân và phong kiến, huỷ bỏ mọi quyền lợi kinh tế cũng như các chính sách, thiết chế văn hoá, xã hội của bọn Pháp, Nhật và bè lũ tay sai. Thắng lợi vẻ vang đó là bước tạo đà hết sức quan trọng để Hà Tĩnh bước vào thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực đảm bảo kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Những năm gần đây kinh tế Hà Tĩnh có bước phát triển cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 10% (năm 2012 đạt 14%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; văn hóa - xã hội có bước chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị được cũng cố, hoạt động hiệu quả; năng lực, sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng cao; góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
68 năm trôi qua, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện kỳ diệu, là mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc. Bài học từ cuộc Cách mạng nhắc nhở chúng ta dù trong mọi hoàn cảnh phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kịp thời nắm bắt thời cơ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công - nông và trí thức. Nắm vững được những bài học lịch sử để lại chúng ta tin tưởng rằng công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nhất định thành công.
[1] Chánh cương vắn tắt của Đảng
[2] Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
[3] Trường Chinh: Cách mạng Tháng Tám. Nxb Sự thật, in lần thứ VI, Hà Nội, 1960, tr.39
[4] Hồ Chí Minh, Tuyển tập. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.357
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)