Làm rõ quy định thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp để bảo đảm tính khả thi
EmailPrintAa
22:30 07/09/2022

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó nội dung quy định thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang góp ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm bày tỏ quan ngại khi mở rộng phạm vi Luật sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi.

Về mặt lý luận, dân chủ là người dân làm chủ, thể hiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước. Trong mối quan hệ này, người dân là người chủ thật sự. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước là hoàn toàn xác đáng.

Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, mối quan hệ này gọi là hợp tác. Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là chủ sử dụng lao động đó. Còn người lao động là người đi làm thuê.

“Vậy bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề ngược lại, người chủ trả tiền để thuê lao động ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Vậy về mặt nguyên tắc lý luận như vậy liệu đã thông chưa, có thỏa đáng không?”, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn.

Theo đại biểu, để bảo vệ quyền lợi người lao động đã có một loạt các luật quy định như Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thi đua, khen thưởng... Các luật này được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát thi hành một cách chặt chẽ. Vì vậy, đại biểu thấy rằng không nhất thiết phải dành một chương riêng quy định nội dung này như trong dự thảo Luật, mà chỉ cần bổ sung, sửa đổi quy định ở các luật hiện hành nêu trên.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, bởi nếu áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp tương tự như ở xã, phường thì có lẽ không phù hợp và khiên cưỡng. Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp hiệu quả không cao, nếu vội vàng luật hóa nội dung này thì không bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả của Luật trong thực tiễn. Thậm chí, có khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì có thể làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng một số quy định về thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này.

Cụ thể, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là việc không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để bảo đảm quy định của Luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.

Đề nghị thu hẹp phạm vi chức năng, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và cụ thể hóa nhiều nội dung để tường minh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, trong đó có hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Về số lượng thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Điều 41 Khoản 1 của dự thảo Luật quy định: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất 5 thành viên, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có chương trình, dự án.

Như vậy, luật không giới hạn thành viên của Ban Giám sát cộng đồng tối đa là bao nhiêu. Đại biểu cho rằng, thông thường việc thành lập một tổ chức có quy định số lượng tối đa để bảo đảm về tài chính, kinh phí cũng như hiệu quả hoạt động. Việc chỉ quy định mức tối thiểu không quy định số lượng thành viên tối đa có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này để bảo đảm tính chặt chẽ khi áp dụng vào thực tế.

Quang cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: DUY LINH)

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, quy định tại Điều 43, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung. Cụ thể, quy định tại điểm a, khoản 1 như dự thảo là chưa phù hợp với thẩm quyền, có thể dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Vì khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các ban của Hội đồng nhân dân phải tiến hành kiểm tra và hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có cử tri, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan nhà nước.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, dự thảo Luật đang giao nhiệm vụ rất lớn cho Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với cơ cấu rất bé và không có khả năng làm việc rất lớn. Đại biểu đề nghị điều chỉnh theo hướng Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng chỉ giám sát đối với những công trình thực hiện bằng nguồn vốn của cộng đồng dân cư hoặc các nguồn tài trợ trực tiếp cho xã, thị trấn. Đồng thời, đề nghị thu hẹp phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Nguồn: VĂN TOẢN/nhandan.vn

( https://nhandan.vn/lam-ro-quy-dinh-thuc-hien-dan-chu-tai-doanh-nghiep-de-bao-dam-tinh-kha-thi-post714091.html )


    Ý kiến bạn đọc