Làm rõ sự khác biệt giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp
EmailPrintAa
09:24 20/06/2012

Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 19/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Theo các đại biểu Quốc hội, sau 8 năm thực hiện, bên cạnh một số kết quả đạt được, Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa thể hiện rõ bản chất và sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội-từ thiện; chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành trong việc giám sát, kiểm tra, thi hành Luật và chính sách đặc thù khuyến khích phát triển hợp tác xã cũng chưa được quy định cụ thể trong Luật…

Các nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã; Quy định hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty; Tài sản và xử lý tài sản khi giải thể hợp tác xã; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã….

Đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng cho rằng: Những giá trị phổ biến của hợp tác xã là tự trợ giúp, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, công bằng và đoàn kết. Hợp tác xã không chỉ lấy lợi ích kinh tế mà cả các lợi ích xã hội, lợi ích văn hóa của các thành viên làm mục tiêu hoạt động. Đại biểu  Huỳnh Nghĩa đề nghị, cần phải dựa vào những nội dung đã được đúc rút để có những quy định thích hợp đối với tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.

  Đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng
Đối với mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, một số đại biểu cho rằng, cần tách bạch, độc lập mô hình hợp tác xã với doanh nghiệp. Ý kiến khác lại đề xuất cần thực hiện mô hình hợp tác xã như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hợp tác xã có thu nhập, mang lại lợi ích cho thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của hợp tác xã, nhưng khác nhau căn bản về mục đích thể hiện, đó là hợp tác xã hoạt động mang lợi ích cho thành viên hiệu quả hơn so với từng thành viên đơn lẻ tự thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh đề nghị: Vị thế của hợp tác xã nông nghiệp trong dự thảo Luật cần phải được khẳng định rõ nét hơn, phải như là tính chất của một doanh nghiệp mang tính chất xã hội. Xã hội ở đây không chỉ là xã hội đơn thuần mà nó là nền tảng của xã hội chủ nghĩa mà chính người nông dân, người theo Đảng, theo cách mạng để làm sự nghiệp. 

 Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh

Về quy định hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, đa số các ý kiến nhất trí với dự thảo Luật cho phép hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty trực thuộc. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ pháp lý quy định mức vốn góp của thành viên hợp tác xã không vượt quá 20% vốn điều lệ hợp tác xã được quy định tại Điều 18 của Dự thảo Luật.

Đại biểu Đinh Thị Phương Thanh, đoàn Long An cho rằng: Theo giải trình của Ban soạn thảo về vấn đề này tại báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội (báo cáo số 4403 ngày 15/6/2012) là chưa đủ sức thuyết phục, vì xã viên góp nhiều vốn hay ít vốn một khi chấp nhận điều lệ hợp tác xã thì họ đều có phiếu biểu quyết như nhau trong việc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội xã viên như: Phương án, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối thu nhập của hợp tác xã...

Chiều ngày 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư./.

    Ý kiến bạn đọc