Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10/2011. (Ảnh Chinhphu.vn) |
CHLB Đức (Federal Republic of Germany) nằm giữa lòng châu Âu và được bao bọc bởi 9 nước láng giềng: Pháp, Áo, Thuỵ Sĩ, Séc, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg. CHLB Đức có diện tích: 357.021 km2, dân số: 80,5 triệu người; thu nhập bình quân đầu người: 34.900 Euro; GDP 2013: 2.809,5 tỷ Euro, đứng thứ 4 thế giới; tăng trưởng kinh tế năm 2013: 0,1% (dự kiến năm 2014: 1,7% ). CHLB Đức là nhà nước liên bang gồm 16 bang có các thẩm quyền riêng, trong đó có 3 bang đồng thời là thành phố (Berlin, Hamburg, Bremen/Bremehaven).
Luật cơ bản của Đức không quy định một trật tự kinh tế nhất định nào nhưng loại trừ nền kinh tế thị trường thuần tuý và tự do bằng cách gắn chặt vào đó nguyên tắc “Kinh tế thị trường xã hội” với phương châm “ít nhà nước như có thể, nhiều nhà nước như cần thiết”. Phương châm cơ bản là dựa trên nguyên tắc tự do của một nền kinh tế thị trường, bổ sung bằng những biện pháp cân bằng xã hội, nghĩa là nhà nước có một loạt các biện pháp phòng ngừa nguy cơ. Mô hình kinh tế thị trường xã hội của Đức rất chú trọng phúc lợi xã hội và dân sinh.
CHLB Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về GDP. Từ năm 1975, Đức là thành viên của G7. Các ngành công nghiệp chủ yếu là: chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Đức có nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới như BASF, Robert Bosch GmbH, E.On, Deutsche Telekom, Siemens AG, Deusche Bank, v.v… Tuy nhiên, xương sống của kinh tế Đức là các công ty có quy mô vừa và nhỏ (thu hút khoảng 20 triệu lao động).
Phần lớn diện tích nước Đức dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2-3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Vùng bờ biển phía Bắc chuyên nuôi bò sữa và ngựa. Vùng chân núi Alps tập trung chăn nuôi gia cầm, lợn, bò và cừu. Đức nằm trong số các nước sản xuất sữa, chế phẩm sữa và thịt nhiều nhất thế giới. Dịch vụ là ngành phát triển mạnh trong những năm gần đây và hiện đóng góp nhiều nhất vào GDP. Frankfurt là trung tâm tài chính lớn nhất của Đức và cũng là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975, trải qua gần 40 năm, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Hai bên duy trì thường xuyên các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao.
Từ nhiều năm nay, CHLB Đức là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Hai nước đã ký một số hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các hiệp định hàng hải, hàng không.
CHLB Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại); và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều khoảng trên 10 %/năm. Năm 2013 đạt 7,7 tỷ USD (tăng 18 % so với năm 2012); 8 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 4,9 tỷ USD. CHLB Đức ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU nhằm tăng cường tối đa kinh tế, thương mại giữa hai nước. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, giày dép, cà phê, thủy sản… và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ô tô, hoá chất, dược phẩm...
Về đầu tư, CHLB Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Tính đến tháng 8/2014, CHLB Đức có 232 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,25 tỷ USD, đứng thứ 22/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết các dự án của Đức tập trung vào: lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 87 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 604 triệu USD, chiếm 50% vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí nước với 5 dự án có tổng vốn đăng ký 387 triệu USD; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 35 dự án và tổng vốn đầu tư 120 triệu USD. Vốn đầu tư của Đức tập trung vào: hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 67 % tổng vốn đầu tư đăng ký; hình thức liên doanh chiếm 33% tổng vốn đầu tư đăng ký; còn lại là hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đến nay, CHLB Đức có dự án đầu tư tại 33 tỉnh, thành phố của cả nước, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như TP Hồ Chí Minh (91 dự án, trị giá 207,5 triệu USD), Ninh Thuận (2 dự án, trị giá 156,7 triệu USD), Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng…Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đang đầu tư tại Việt Nam như: Siemens (thiết bị, y tế), Mercedes-Benz (ô tô), Bilfinger (tư vấn, thiết kế), Bosch (chế tạo máy), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí hóa lỏng phục vụ luyện kim), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo hiểm)...
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại...
Về đầu tư phát triển, CHLB Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1,5 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Hợp tác kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức cung cấp viện trợ không hoàn lại cho các dự án. Hợp tác tài chính bao gồm cả hai hình thức viện trợ không hoàn lại (khoảng 40%) và tín dụng ưu đãi (khoảng 60%). Tín dụng ưu đãi của Đức có mức ưu đãi cao với lãi suất thấp 0,75%/năm, thời gian vay 40 năm, 10 năm ân hạn. Tại kỳ họp đàm phán về hợp tác phát triển giữa Chính phủ Việt Nam và Đức tháng 7/2013, Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA gần 100 triệu USD trong giai đoạn 2014 - 2015. Hai bên cũng nhất trí 3 lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong giai đoạn tới là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề.
CHLB Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề thông qua các hoạt động như hỗ trợ Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xây dựng chiến lược dạy nghề quốc gia, soạn thảo Luật Dạy nghề cũng như xây dựng các trường dạy nghề kiểu mẫu ở một số địa phương theo mô hình đào tạo nghề song hành rất thành công của Đức.
Trong khuôn khổ chương trình “Make it in Germany” về hợp tác lao động quốc tế của Đức, từ tháng 9/2013, Việt Nam đã triển khai thí điểm đưa 100 điều dưỡng viên sang Đức để làm việc với thời hạn lâu dài (3 năm). Sau một năm triển khai chương trình, nhìn chung các đối tác Đức có đánh giá tích cực về lao động Việt Nam. Tiếp theo thành công của chương trình thí điểm, ngày 25/7/2014, hai bên đã ký kết Thỏa thuận tiếp tục triển khai dự án đưa điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức cho khóa 2, dự kiến thực hiện trong năm 2015.
Một số dự án lớn sử dụng ODA của Chính phủ Đức là: Xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh (240,75 triệu Euro); Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn (120 triệu Euro); Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện (120 triệu Euro), Nhà máy điện gió Phú Lạc 1 (35 triệu Euro)...
Về hợp tác văn hóa, năm 1990, Việt Nam và Đức ký Hiệp định Hợp tác văn hoá tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. Năm 1997, Đức thành lập Trung tâm văn hoá Đức (hay còn còn gọi là Viện Gớt) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam. Trong những năm lại đây, các hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa hai nước diễn ra rất sôi động. Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế.
Hàng năm, CHLB Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 4000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai Chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh/năm tại bang Hessen của Đức. Dự án “hải đăng” của hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là Trường Đại học Việt- Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo mô hình của đại học Đức, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và bang Hessen (Đức). Trường đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt xây dựng thành trường đại học tiêu biểu xuất sắc có trụ sở tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với nguồn vốn vay trị giá trên 180 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Chương trình dạy tiếng Đức là ngoại ngữ thứ hai là sáng kiến của Bộ Ngoại giao Đức hiện đang được triển khai tại 13 trường phổ thông trên toàn quốc như trường THPT Việt – Đức, trường THPT chuyên ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội… Phía Đức cũng hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam về trang thiết bị đào tạo, cung cấp giáo viên bản ngữ và cấp học bổng cho giáo viên cũng như các sinh viên, học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc.
Về hợp tác tư pháp - pháp luật, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này khởi đầu từ năm 1996. Năm 2008, Chính phủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật. Trên cơ sở Tuyên bố chung, Bộ Tư pháp hai nước đã ký kết các văn kiện và triển khai Chương trình Đối thoại về Nhà nước pháp quyền giai đoạn 2009 – 2011 và giai đoạn 2012 - 2014. Trong khuôn khổ các chương trình này, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các đoàn đi nghiên cứu, khảo sát… đạt kết quả thiết thực, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính tư pháp của Việt Nam.
Đến nay, CHLB Đức được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng nhất của du lịch Việt Nam với số lượng khoảng trên dưới 100.000 lượt khách/năm thăm Việt Nam trong những năm gần đây.
Về Khoa học công nghệ, trước năm 1995, hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và CHLB Đức được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Quỹ khoa học trẻ Alexander & Humboldt, Quỹ đào tạo chuyên gia trong ngành công nghiệp (CDG), Quỹ phát triển (DSE)... Kể từ sau khi ký Nghị định thư hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức năm 1997 và Ý định thư hợp tác về Khoa học Công nghệ năm 2012, hợp tác về khoa học, công nghệ giữa hai nước đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên ngành và triển khai các dự án nghiên cứu chung với sự tham gia của các chuyên gia hai bên.
Quan hệ hợp tác về quốc phòng hai nước có những bước phát triển tích cực trong những năm qua. Từ 2003, Việt Nam cử Tùy viên Quốc phòng tại Berlin và Đức cử Tùy viên Quốc phòng tại Thái Lan kiêm nhiệm Việt Nam. Trong chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (10/2004), hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đào tạo quân nhân Việt Nam tại Đức. Hàng năm, một số sỹ quan quân sự Việt Nam đã tham gia các khóa huấn luyện tại các cơ sở quân đội của Đức.
Chuyến thăm chính thức CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực: lao động, đào tạo nghề, giáo dục và các dự án đã lớn đã ký kết; chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức trong năm 2015 và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.
TT CNTT (Nguồn: dangcongsan.vn)
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)