Lần đầu tiên việc tiếp công dân được thực hiện theo Nghị định 64/2014. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Đây là ngày đầu tiên việc tiếp công dân được thực hiện theo Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật tiếp công dân có hiệu lực từ 1/7/2014.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ngày đầu tiên của việc tiếp dân được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả. Việc tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy trình, chọn lọc những vụ việc người dân bức xúc, khiếu kiện qua nhiều cấp nhưng chưa giải quyết được... để tìm ra những biện pháp giải quyết có hiệu quả, dứt điểm vụ việc.
Tại buổi tiếp công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã nghe công dân trình bày 6 vụ việc khiếu nại, tố cáo của: Bà Nguyễn Thị Bé (huyện Đan Phượng, Hà Nội); bà Hoàng Thị Vinh đại diện cho một số hộ kinh doanh tại xã Ninh Hiệp, (huyện Gia Lâm, Hà Nội); vụ việc của ông Hoàng Mạnh Hùng (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội); vụ việc của bà Nguyễn Phương Mai cùng 29 hộ dân (quận Đống Đa, Hà Nội); vụ việc khiếu kiện của công dân giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng); vụ việc khiếu kiện của công dân tỉnh An Giang.
Đây là những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, người dân đã khiếu kiện qua các cấp nhưng chưa có kết quả. Có vụ việc kéo dài trên dưới 10 năm liên quan chủ yếu đến các nội dung về: Chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế tại địa phương; việc quản lý nhà nước trong lập quy hoạch các dự án, khi thu hồi đất để xây dựng các dự án đầu tư; tố cáo hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn phá huỷ nhà cửa, tài sản, chiếm đoạt đất đai của các hộ dân...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chia sẻ với người dân. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Công khai các kết quả kiểm tra đến công dân
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhận xét, trong hầu hết các vụ việc đều chưa có tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền các địa phương. Bộ trưởng chia sẻ với người dân bởi trong hầu hết các dự án thu hồi đất tại các địa phương thì đất người dân ở là từ lâu đời và đã có quá trình gắn bó, việc di dời đến địa điểm khác là sự hy sinh, đóng góp của người dân vì sự phát triển chung của địa phương. Bộ trưởng cũng đề nghị người dân chia sẻ với những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, những vụ việc thuộc thẩm quyền của Trung ương thì cơ quan chủ trì là Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện việc đi xác minh, làm rõ báo cáo với Chính phủ để có hướng giải quyết cuối cùng. Còn vụ việc thuộc thẩm quyền của địa phương thì giao cho địa phương; Trung ương sẽ giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến cuối cùng.
Tất cả các vụ việc đều được giải quyết trên cơ sở công khai, minh bạch, làm tới đâu rõ tới đó, khi có các kết luận cuối cùng của các đoàn thanh tra thì kết quả sẽ được cung cấp đầy đủ đến người dân.
Liên quan đến vụ việc của bà Nguyễn Thị Bé (huyện Đan Phượng, Hà Nội) kéo dài từ năm 2001 đến nay về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án tỉnh lộ 79, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, để việc khiếu kiện kéo dài trước hết là lỗi của chính quyền địa phương, mặc dù đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng còn nhiều vướng mắc để kéo dài. Từ vụ việc này, chính quyền cần rút ra kinh nghiệm không để kéo dài cho các trường hợp khác.
Đối với vụ việc của bà Bé, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã giao UBND TP Hà Nội xem xét lại toàn bộ vụ việc, giải quyết thỏa đáng và các quyết định cần tạo được sự đồng thuận của nhân dân. TP Hà Nội cần rà soát vấn đề này để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, đến hết tháng 8/2014 báo cáo Thanh tra Chính phủ.
Còn đối với vụ việc khiếu kiện của người dân quận Đống Đa liên quan đến Công ty TNHH Bảo Long. Bộ trưởng đánh giá, vụ khiếu kiện đã kéo dài trên 10 năm nhưng khá phức tạp và có điểm không minh bạch, người dân đã khiếu nại nhiều lần, nhiều cấp. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng đến nay cũng chưa được làm rõ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.
Đối với các vụ việc liên quan đến khiếu kiện đất đai, giải phóng mặt bằng, về đền bù khi giải tỏa tại Hà Nội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì thực hiện. Thời gian và tiến độ kiểm tra trong tháng 8/2014 sẽ được công bố công khai đến người dân.
Các vụ khiếu kiện của công dân Đà Nẵng và An Giang, trong đó, người dân Đà Nẵng và An Giang đã ra Hà Nội khiếu kiện từ nhiều ngày nay không trở về địa phương. Các vụ khiếu kiện này đã giải quyết nhiều lần, chính quyền hai địa phương đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng người dân cho là chưa thỏa đáng nên tiếp tục khiếu kiện đến Trung ương.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vụ việc tại hai địa phương này và đề nghị thành lập Đoàn thanh tra liên ngành gồm các cơ quan chức năng liên quan, trong đó có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để làm rõ vấn đề và có kết luận cuối cùng. Tổng Thanh tra đề nghị, khi có ý kiến cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị công dân và chính quyền địa phương nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng quy định pháp luật.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, việc tiếp xúc công dân định kỳ là thực hiện theo luật nhưng qua đó những người có thẩm quyền có thể nghe được tiếng nói của nhân dân. Ông mong muốn trong thời gian tới việc tiếp công dân theo định kỳ sẽ hỗ trợ giải quyết tồn đọng khiếu nại tố cáo kéo dài, tìm ra những giải pháp tối ưu nhất, phối hợp cả biện pháp tiếp công dân với công tác giải quyết tồn đọng tố cáo kéo dài sẽ giảm bớt được các vụ việc theo đúng quy định pháp luật và giảm bớt những bức xúc của người dân.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2011, các vụ khiếu kiện phức tạp còn tồn đọng là 528 vụ. Trong gần 2 năm, Thanh tra Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành giải quyết đạt 93% vụ việc. Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết, rà soát những vụ việc phức tạp và giải quyết thường xuyên các vụ tồn đọng kéo dài. |
(TTCNTT: Theo baodientu.chinhphu)
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)