Lấy phiếu tín nhiệm: Tạm dừng chứ không dừng hẳn
EmailPrintAa
08:11 25/02/2014

Sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, một số vướng mắc đã nảy sinh cho nên QH sẽ tiến hành rút kinh nghiệm để nó thực chất hơn.

Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội đề xuất tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7, diễn ra vào tháng 5 tới để chỉnh sửa Nghị quyết 35 của Quốc hội.

Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm chỉ tạm dừng chứ không phải dừng hẳn bởi lẽ, sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, một số khó khăn, vướng mắc đã nảy sinh. Vì vậy, Quốc hội sẽ tiến hành rút kinh nghiệm để hoạt động này diễn ra thực chất hơn.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13 vào tháng 6/2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh lãnh đạo cao cấp trong bộ máy Nhà nước, trong đó có bộ máy điều hành của Chính phủ.

Trước gần 500 đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng: “Động tác thả lá phiếu vào thùng rất đơn giản nhưng ý nghĩa của công việc này thì rất lớn. Lần đầu tiên, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự theo quyền của mình”.

Chưa bao giờ, hoạt động của Nghị trường lại được cử tri theo dõi sát sao như vậy. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được cập nhật từng giờ, từng phút trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.

Rất nhiều kỳ vọng đã được đặt vào lá phiếu tín nhiệm song nhiều câu hỏi, băn khoăn cũng được đặt ra. Đó là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thời gian, quy trình tiến hành lấy phiếu tín nhiệm… Chỉ riêng việc quy định 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, một số ý kiến cho rằng, làm như vậy, số phiếu sẽ không tập trung.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Do việc tiếp cận thông tin không đầy đủ nên một số phiếu rơi vào tính bình quân. Điều này đã được chúng tôi lường trước, không như các nước chỉ có 2 mức phiếu: tín nhiệm và không tín nhiệm. Cách làm của chúng ta chủ yếu là nhắc nhở nhau trong công việc, trị bệnh cứu người. Sau này chúng ta có quy trình tốt, có kinh nghiệm sẽ chỉ làm hai mức”.

Dù lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hay HĐND, một kết quả khá thống nhất là khối lập pháp thường có phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn khối hành pháp. Ông Dương Ngọc Sơn, nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng: chúng ta nên bỏ phiếu riêng từng khu vực riêng biệt thì sẽ hợp lý hơn...

Tiếp sau việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh lãnh đạo cao cấp, các địa phương trên toàn quốc đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở cấp địa phương dường như cũng chưa phản ánh đúng thực chất. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Trong số những cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh cũng chưa có vị nào có số phiếu tín nhiệm thấp quá bán dẫn đến việc phải tiếp tục xử lý. Còn ở cấp xã, theo tôi cũng có những trường hợp tín nhiệm thấp quá bán”.

Xuất phát từ những vướng mắc nảy sinh qua việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội cũng như HĐND các cấp, tại Thông báo số 149 ngày 20/12/2013, Bộ Chính trị đã đề nghị tạm dừng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 để tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội.

Thực hiện Thông báo trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành đánh giá bước đầu về những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên.

Báo cáo này sẽ được trình bày tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, diễn ra vào giữa năm nay, trên cơ sở đó Quốc hội sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 35 theo hướng nào.  

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp thứ 25 của UB thường vụ Quốc hội đã khẳng định: “Chúng ta không phải dừng lấy phiếu tín nhiệm mà là chỉ tạm dừng trong kỳ họp đầu năm 2014 để chờ đánh giá, rút kinh nghiệm, sửa Nghị quyết 35 của Quốc hội. Sau đó, chúng tôi mới thống nhất để tiếp tục làm. Cách làm như vậy vừa đúng với chủ trương chung, vừa không tạo những cú sốc cho dư luận xã hội. Chúng ta đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vừa qua rất nghiêm túc”.

Để hoạt động đánh giá tín nhiệm có hiệu quả, đúng thực chất, đó là mong muốn của các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri khi tiến hành sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm ./.


    Ý kiến bạn đọc