Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã công bố bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 (PAR Index) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023 (SIPAS).
Hội nghị công bố bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 (PAR Index) diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/4.
Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả 2 chỉ số PAR Index và SIPAS. Riêng Hà Tĩnh có sự tăng hạng mạnh ở 2 chỉ số: Chỉ số PAR Index xếp thứ 18 cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ; Chỉ số SIPAS xếp thứ 4 cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2022 và xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo phân tích từ Sở Nội vụ Hà Tĩnh, sự tăng hạng đó bắt nguồn từ việc có nhiều chỉ số thành phần tăng điểm mạnh. Chỉ số CCHC được đánh giá trên 8 lĩnh vực/nội dung, trong đó, Hà Tĩnh có 3/8 lĩnh vực tăng điểm và tăng bậc so với năm 2022, gồm: cải cách chế độ công vụ tăng 27 bậc; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 3 bậc; sự tác động của CCHC đến người dân và phát triển kinh tế - xã hội tăng 14 bậc.
Điều này cho thấy những nỗ lực của Hà Tĩnh trong việc đẩy mạnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ; trong tập trung nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số ở các cơ quan công quyền và đời sống xã hội.
Bảng phân tích biến động 2 chỉ số PAR Index và SIPAS năm 2023.
Ông Dương Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Một trong những điểm nhấn về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Hà Tĩnh năm 2023 là ban hành Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND ngày 26/7/2023 về sửa đổi bổ sung một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, giảm 50% phí, lệ phí khi người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên môi trường mạng. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho tổ chuyển đổi số cộng đồng giai đoạn 2024-2025. Đây là các chính sách có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra toàn diện và đi sâu vào đời sống”.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đã xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống nền tảng CNTT khá đồng bộ, phục vụ hoạt động của các cơ quan hành chính và doanh nghiệp. Các hệ thống thông tin hỗ trợ điều hành tác nghiệp, ý kiến chỉ đạo, gửi nhận văn bản, tác nghiệp nội bộ, chữ ký số được ứng dụng thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã. Việc ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, trong gửi nhận văn bản điện tử của cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ 100%; văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt tỷ lệ 100%; trao đổi văn bản điện tử của UBND cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện đạt tỷ lệ 99%.
100% UBND cấp huyện có các hệ thống phần mềm chuyên ngành cho các lĩnh vực như: quản lý tài chính, tài sản công; quản lý cán bộ công chức, quản lý tài nguyên, quản lý bản đồ địa chính, quản lý giáo dục, quản lý xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý đối tượng, chính sách người có công... Duy trì, quản lý hiệu quả hoạt động giao dịch cho 412 gian hàng trên sàn thương mại điện tử, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm.
Tinh thần, thái độ phục vụ, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân ngày càng được nâng cao.
Trong lĩnh vực cải cách chế độ công vụ, năm 2023, Hà Tĩnh đã thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, công tâm, khách quan và tuân thủ đúng quy định, quy chế thi tuyển. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được các địa phương, đơn vị quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.
Kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh siết chặt thông qua việc ban hành Kết luận số 29-KL/TU và Văn bản số 1567-CV/TU ngày 17/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Nhờ đó, đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ cũng như giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ công chức tại bộ phận một cửa.
Những nỗ lực trong cải cách hành chính đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo sự hài lòng lớn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó, thúc đẩy Chỉ số SIPAS tăng hạng (từ thứ 7 năm 2022 lên thứ 4 cả nước và xếp thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ trong năm 2023).
Nhiều tiện ích về chuyển đổi số đã được ứng dụng trong các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và phục vụ người dân. Ảnh: Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD để thay thẻ giấy BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Ông Nguyễn Huy Công – người dân phường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “CCHC đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt không chỉ về công nghệ mà cả ở đạo đức công vụ. Thời gian qua, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất chính là thái độ ân cần, tận tình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được thời gian, công sức khi có việc cần giao dịch".
Năm 2023, Hà Tĩnh có sự tăng hạng về cả 2 chỉ số PAR Index và SIPAS. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác CCHC. Đồng thời, thể hiện được sự ghi nhận và đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn.
Tuy vậy, ở chỉ số PAR Index, Hà Tĩnh vẫn có 3/8 lĩnh vực tăng điểm nhưng giảm bậc so với 2022 bao gồm: chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy; 2/8 lĩnh vực giảm điểm và giảm bậc so với năm 2022 là cải cách thủ tục hành chính và cải cách tài chính công. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh cũng như các ngành, địa phương sẽ nhìn nhận, đánh giá và đề ra giải pháp để khắc phục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Đạo - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh
Nguồn: baohatinh.vn
(https://baohatinh.vn/ly-giai-nguyen-nhan-ha-tinh-tang-10-bac-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-post265280.html)
Tin mới cập nhật
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu ( 16/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược ( 14/01)
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)