“Địa chỉ” tham nhũng chưa được chỉ rõ và vẫn còn thiếu trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Thanh tra chính phủ, năm 2013, toàn ngành đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng và 1.374 ha đất (đã thu hồi 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ, 52 đối tượng.
Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, theo cơ quan Thanh tra, quá trình thực hiện cũng bộc lộ hạn chế: Đối với một số vị trí công tác cần có kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuyên sâu nhưng chưa có người phù hợp để chuyển đổi, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước). Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu và còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu cũng còn nhiều vướng mắc, cần sửa đổi cho phù hợp.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là vẫn thiếu “địa chỉ”. “Địa chỉ” tham nhũng chưa được chỉ rõ. Thứ hai là thiếu trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Tiến cho rằng, Báo cáo có nêu đã xử lý một số người đứng đầu, nhưng mà chỉ rõ “địa chỉ” là tham nhũng nhiều nhất ở ngành nào, địa phương nào, đã xử lý người đứng đầu ra sao… thì chưa thấy đậm nét. Về mặt văn bản pháp luật, chúng ta đã có Luật phòng chống tham nhũng và đã được sửa đổi năm 2012 và các văn bản pháp lý chúng ta đều có cả. Về mặt tổ chức bộ máy, chúng ta đã có từ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của địa phương.
Về các cơ quan phòng, chống tham nhũng, theo ông Tiến, hiện nay đã được kiện toàn hơn trước rất nhiều. Mới đây, chúng ta đã hình thành Ban Nội chính là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương để xử lý tham nhũng. Và các tỉnh, thành phố trực thuộc trưng ương cũng thành lập Ban Nội chính. Chưa kể chúng ta còn có cả một hệ thống bảo vệ pháp luật đó là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
“Như thế là hoàn thiện chứ không phải thiếu. Nhưng tại sao trong thời gian vừa qua phòng, chống tham nhũng như kết luận báo cáo, của Thủ tướng Chính phủ, cũng như báo cáo của Chính phủ vẫn nói là chưa chặn đứng và đẩy lùi được tham nhũng” – ông Tiến đặt vấn đề.
Đưa ra ý kiến cá nhân về thực trạng này, ông Tiến cho rằng nguyên nhân thứ nhất chính là việc thực thi pháp luật không nghiêm. Chúng ta không thiếu văn bản pháp luật, thiếu tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, mà chính là thiếu thực thi thật là nghiêm túc, quyết liệt. Đấy chính là nguyên nhân lớn nhất. Nguyên nhân lớn thứ hai là, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, tổ chức đơn vị, bộ ngành, và các địa phương trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng chưa thật sự quyết liệt, làm hết trách nhiệm.
Trong báo cáo của Chính phủ, cũng như báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng đã nói rất rõ đó là công tác phòng chống tham nhũng rất tinh vi, phức tạp, không phải dễ gì mà phát hiện được. Thứ hai đó là những người tham nhũng, thường là những người có chức, có quyền, có kinh tế. Họ có thể thao túng lũng đoạn, tinh vi trong mọi hành vi của họ.
Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương vừa mới được thành lập đã tổ chức 7 đoàn đi các địa phương, bộ ngành, nơi có dấu hiệu, yếu tố tham nhũng để xem xét, kiến nghị. Ông Tiến cho rằng “Đó là động thái tốt. Nhưng từ động thái đến việc có kết quả cụ thể thì phải có thời gian”.
Kê khai tài sản còn mang tính hình thức
Một trong những biện pháp ngăn chặn tham nhũng là kê khai tài sản. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012. Trong đó, có 113.436 người kê khai lần đầu, trên tổng số 115.883 người phải kê khai (đạt 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung, trên tổng số 526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 03 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.
Các cấp, các ngành đã quan tâm, tích cực thực hiện các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập; hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai đã kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; bước đầu đã hình thành tài liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị thống kê, báo cáo không đúng thời gian quy định, số liệu còn trùng lắp, chưa chính xác; việc xác minh tính trung thực của việc kê khai còn ít do các cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động theo dõi, tiến hành xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập.
“Thời gian qua, chúng ta kê khai tài sản còn hình thức. Vì, kê khai tài sản mà không công khai, minh bạch, chỉ để trong hồ sơ của một số người có trách nhiệm, không công khai để cho cử tri, nhân dân, nơi cư trú, nơi công tác để người ta biết là chưa thể hiện được hiệu quả. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng chưa thực sự đạt hiệu quả” – ông Lê Như Tiến khẳng định.
Còn đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP HCM) thì cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm toán, các cơ quan điều tra phải tập trung khám phá, tăng kiến nghị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tăng tỉ lệ khởi tố điều tra các vụ án lớn, phức tạp. Bên cạnh đó, các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách phải có chỉ tiêu cụ thể. Chứ như hiện nay không giao chỉ tiêu cụ thể, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể thì ta vẫn cứ “mơn man” bên ngoài thì chỉ đi “đánh” tham nhũng vặt thôi.
Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Đương, trong năm 2014, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phải xử lý được dứt điểm được tất cả các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ tham nhũng mà đã khởi tố điều tra trên 3 năm nay rồi. Cứ tập trung vào là xử lý được, kéo dài ra thì rất khó; hai nữa là cương quyết rà soát tất cả các trường hợp vụ án lớn, nghiêm trọng mà đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính phải phục hồi lại, xem xét xử lý hình sự.
Chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta về công tác phòng chống tham nhũng là rất đúng, được nhân dân đồng tình ủng hộ; nhưng biện pháp và cách thức thực hiện thì còn yếu. Bây giờ vấn đề là tổ chức thực hiện, tập trung khám phá, nâng cao hiệu quả phải hạn chế tối đa án treo, đối với tòa án phải ra quyết định hạn chế án treo, cải tạo giam giữ. Hàng năm chính phủ phải báo cáo rõ về các địa phương, các bộ ngành làm tốt, làm chưa tốt trong lĩnh vực này, kể cả tòa án phải báo cáo tình hình cho hưởng án treo trong các vụ án kinh tế, chức vụ tham nhũng. Cơ quan thanh tra cần báo cáo đầy đủ để Quốc hội đánh giá, cho ý kiến để từ đó quyết định các biện pháp tiếp theo”./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)