Một số vấn đề về đào tạo cao cấp lý luận chính trị-hành chính
EmailPrintAa
10:27 27/05/2013

Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW, ngày 8 tháng 3 năm 2013 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, sau khi thống nhất với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan, Ban Tổ chức Trung ương vừa ban hành Công văn do đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương ký đề nghị các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học và các cơ sở đào tạo cao cấp lý luận chính trị – hành chính thực hiện một số nội dung sau:

1. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc Kết luận số 57-KL/TW ngày 8 tháng 3 năm 2013 của Ban Bí thư, nâng cao nhận thức về công tác đào tạo lý luận chính trị; gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo lý luận chính trị với quy hoạch và sử dụng cán bộ; lựa chọn cử cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị – hành chính tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện Chính trị – Hành chính khu vực (Trung tâm Học viện và các Học viện khu vực) đúng đối tượng và tiêu chuẩn; phối hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng để thực hiện nghiêm chế độ học tập, bảo đảm chất lượng, khắc phục những hạn chế nhất là tình trạng chạy theo bằng cấp trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị – hành chính.

2. Đối tượng học cao cấp lý luận chính trị – hành chính

2.1. Vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương trở lên của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; tỉnh ủy viên, thành ủy viên, trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố trở lên; cán bộ chủ chốt cấp huyện (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh này.

2.2. Trưởng, phó phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố; cấp ủy viên cấp huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương; trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh nêu trên.

3. Tiêu chuẩn cán bộ cử đi học cao cấp lý luận chính trị - hành chính

3.1. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

3.2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc ở nước ngoài.

3.3. Về độ tuổi

- Đối với hệ tại chức: Cán bộ đang giữ chức danh quy định tại Mục 2 có tuổi đời từ 40 tuổi trở lên đối với nam, 35 tuổi trở lên đối với nữ.

- Đối với hệ tập trung: Cán bộ đang giữ chức danh quy định tại Mục 2 có tuổi đời dưới 40 tuổi đối với nam, dưới 35 tuổi đối với nữ.

4. Một số quy định riêng

4.1. Cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại Mục 2 hiện đang công tác từ 3 năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các huyện biên giới, hải đảo, đơn vị và vị trí công tác đặc thù, nếu chưa có bằng tốt nghiệp đại học thì phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng về chuyên môn và bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị – hành chính hoặc trung cấp lý luận chính trị.

4.2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy định tại Mục 2 hiện đang công tác từ 3 năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các huyện biên giới, hải đảo, đơn vị và vị trí công tác đặc thù, được ưu tiên học hệ tại chức trẻ hơn 5 tuổi so với quy định tại Mục 3.3.

4.3. Các chức sắc tôn giáo có yêu cầu học cao cấp lý luận chính trị - hành chính thì được học tại các Học viện khu vực, do cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Ban Tổ chức Trung ương.

5. Phân cấp đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính

5.1. Trung tâm Học viện đào tạo đối tượng quy định tại Mục 2.1.

5.2. Các Học viện khu vực đào tạo đối tượng quy định tại Mục 2.2.

6. Số lượng học viên mỗi lớp học: Lớp hệ tập trung không quá 50 học viên/lớp, lớp hệ tại chức không quá 110 học viên/lớp.

7. Việc xét duyệt và thẩm định cán bộ đi học cao cấp lý luận chính trị – hành chính hệ tập trung và tại chức tại hệ thống Học viện từ năm 2013 được tiến hành theo quy trình sau:

7.1. Cấp ủy, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học trên cơ sở chỉ tiêu được giao, lập hồ sơ cán bộ cử đi học theo quy định. Trung tâm Học viện và các Học viện khu vực theo phân cấp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách học viên theo từng lớp đúng đối tượng, tiêu chuẩn (theo mẫu đính kèm) và chuyển danh sách học viên về cơ quan được giao thẩm định như sau:

- Ban Tổ chức Trung ương thẩm định danh sách học viên do Trung tâm Học viện chiêu sinh và gửi thông báo kết quả thẩm định (kèm theo danh sách học viên đã thẩm định) cho Trung tâm Học viện trong vòng 10 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được danh sách học viên do Trung tâm Học viện chuyển đến; thực hiện thẩm định danh sách học viên do các Học viện khu vực chiêu sinh khi cần thiết.

- Trung tâm Học viện thẩm định danh sách học viên do các Học viện khu vực chiêu sinh và gửi thông báo kết quả thẩm định (kèm theo danh sách học viên đã thẩm định) cho các Học viện khu vực trong vòng 10 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được danh sách học viên do các Học viện khu vực chuyển đến; báo cáo kết quả thẩm định (kèm theo danh sách học viên đã thẩm định) về Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi, kiểm tra.

Trong thẩm định, những trường hợp đặc biệt, thực sự cần thiết, có nhu cầu nhưng chưa bảo đảm đủ tiêu chuẩn cử đi học cao cấp lý luận chính trị – hành chính, hoặc số lượng học viên một lớp thay đổi so với quy định mà được cấp ủy trực thuộc Trung ương đề nghị thì Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh xin ý kiến và được Ban Tổ chức Trung ương đồng ý bằng văn bản mới gọi nhập học.

7.2. Danh sách học viên đã được Ban Tổ chức Trung ương, Trung tâm Học viện thẩm định là danh sách chính thức để Trung tâm Học viện, các Học viện khu vực gọi học viên nhập học và là căn cứ khi xét tốt nghiệp cho học viên.

8. Ban Tổ chức Trung ương thực hiện kiểm tra, giám sát, khảo sát công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trung tâm Học viện, các Học viện khu vực và các đơn vị liên quan theo quy định.

9. Hằng năm, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gửi về Ban Tổ chức Trung ương trong tháng 8 để tổng hợp và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho năm tiếp theo.

Công văn này thay thế cho các văn bản liên quan về đào tạo cao cấp lý luận chính trị – hành chính trước đây của Ban Tổ chức Trung ương.


    Ý kiến bạn đọc