Năm 2014, ưu tiên các dự án luật liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp
EmailPrintAa
08:15 16/04/2013

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được thông qua vào cuối năm 2013, thì năm 2014 cần ưu tiên sửa đổi, bổ sung các dự án luật liên quan trực tiếp đến các quy định của Hiến pháp, các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục phiên họp thứ 17, chiều 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và Khóa XIII của Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình khoá XIII và năm 2013 đối với các dự án đáp ứng các tiêu chí: đã có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; phục vụ kịp thời việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đã được UBTVQH cho ý kiến nhưng còn một số điểm vướng mắc cần tiếp tục xử lý nên đã bị rút ra khỏi Chương trình năm 2012, nay đã xử lý xong vấn đề còn vướng mắc. 

Trên cơ sở các tiêu chí nêu trên, Chính phủ đề nghị bổ sung 09 dự án vào Chương trình khóa XIII, trong đó có 05 dự án luật, pháp lệnh và 04 nghị quyết. 

Về việc điều chỉnh Chương trình năm 2013, Chính phủ đề nghị bổ sung 10 dự án vào Chương trình chính thức năm 2013, trong đó có 06 dự án luật và 04 nghị quyết.

Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình 03 dự án trong năm 2013 gồm Luật hải quan (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Như vậy, sau khi điều chỉnh theo đề nghị nêu trên thì tổng số dự án thuộc Chương trình chính thức năm 2013 do Chính phủ trình là 38 dự án (tăng 10 dự án so với Chương trình hiện tại, trong đó tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án).

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với những đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban này nhận thấy, tháng 6/2012 Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 nhưng đến tháng 9/2013 Chính phủ đã có đề nghị điều chỉnh Chương trình này. Tiếp tục đến tháng 2/2013 và tháng 3/2013, Chính phủ lại đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2013. “Việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như vậy là quá nhiều và đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch bố trí thời gian cũng như các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sớm khắc phục được tình trạng này” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Về chương trình năm 2014, Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình năm 2014 số lượng khá lớn là 55 dự án (53 luật, 02 pháp lệnh), trong đó có 42 dự án thuộc Chương trình chính thức và 13 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị. 

Đề nghị của Chính phủ được xây dựng theo các nguyên tắc: ưu tiên đưa vào Chương trình chính thức năm 2014 các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước và các dự án cần xây dựng, sửa đổi ngay sau khi có sửa đổi Hiến pháp; ưu tiên các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cân nhắc khả năng hoàn thành việc soạn thảo các dự án của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan trong một kỳ họp hoặc một năm để bảo đảm tính khả thi của Chương trình.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, ngoài 55 dự án do Chính phủ đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh; Ủy ban Kinh tế đề nghị 7 dự án luật; các đoàn đại biểu Quốc hội: thành phố Đà Nẵng đề nghị 3 dự án luật; Sóc Trăng đề nghị 36 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh; tỉnh Quảng Nam đề nghị 01 dự án luật; các đại biểu Quốc hội đề nghị 14 dự án luật.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhận xét, số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 như vậy là quá nhiều so với khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, UBTVQH và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội. Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình, tránh bị điều chỉnh quá nhiều thì việc xem xét, quyết định đưa các dự án vào Chương trình cần cân nhắc thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.

Về thứ tự ưu tiên trình Quốc hội các dự án, Ủy ban Pháp luật nhất trí cho rằng sau khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua vào cuối năm 2013 thì năm 2014 cần ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các dự án phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, 2014 là năm bản lề cần thiết chuẩn bị những luật hệ trọng sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2013. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng tình quan điểm chỉ đưa vào chương trình những dự án luật thật cần thiết, hệ trọng, được chuẩn bị tốt, chất lượng./.


    Ý kiến bạn đọc