Nâng cao chất lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
EmailPrintAa
15:58 14/07/2020

Sáng 13-7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian 2 ngày, Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Ngoài ra, UBTVQH sẽ cho ý kiến tổng kết Kỳ họp thứ 9 và bước đầu cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN.

UBTVQH cũng xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và xem xét công tác nhân sự.

Cùng với đó, UBTVQH sẽ xem xét việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội và Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (từ nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các nội dung trình tại Phiên họp lần này đã được các cơ quan chuẩn bị tích cực, trong đó có hai dự án luật đã được khẩn trương tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời gian ngắn sau kỳ họp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đã có trong chương trình công tác của UBTVQH và đã thông báo đến các cơ quan hữu quan ngay từ đầu năm nhưng tiến độ chuẩn bị chưa bảo đảm nên phải rút ra hoặc phải chuyển sang phiên họp của tháng sau.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan cần chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, theo dõi, bám sát chương trình để thực hiện đúng kế hoạch đề ra; đồng thời nhấn mạnh, nếu có phát sinh vấn đề khó khăn thì các cơ quan sớm báo cáo UBTVQH để kịp thời có phương án điều chỉnh chương trình, thời gian kỳ họp và giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền.

* Sau đó, với sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Theo đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước và hợp tác trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo dõi, nắm bắt, quản lý lao động sau khi về nước, dự báo thị trường; xây dựng cơ sở dữ liệu, kế hoạch, chiến lược về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có định hướng để đáp ứng được thị trường lao động trong giai đoạn mới...

Làm rõ thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu các ý kiến, dự thảo được dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, bổ sung một số nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong việc phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình, quản lý lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sau khi họ trở về nước...

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhắc lại ý kiến thảo luận của các đại biểu tại các phiên họp trước. Đó là, cần có tư duy mang tính chất chiến lược về việc nâng tầm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp trước rằng cần tăng cường việc đưa người lao động Việt Nam sang các thị trường khác với tư cách là chuyên gia, người lao động chất lượng cao..., Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh điều này sẽ đúng tầm hình ảnh của Việt Nam, đồng thời cũng là để tăng thu nhập cho người lao động và cũng là cho đất nước.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị cần có chính sách đủ mạnh để người lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có chất lượng cao hơn.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình băn khoăn liệu rằng, chính sách nhà nước đưa công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không chỉ dừng lại ở việc đưa đi lao động đơn giản mà còn có thể nâng lên ở trình độ tốt hơn hay không. Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt vấn đề này, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, bên cạnh việc nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ mà còn cần có sự chuẩn bị về vấn đề văn hóa, làm thế nào để những người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có thể giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp văn hóa Việt Nam...

Nguồn: Phương Hắng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/nang-cao-chat-luong-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-626819 )


    Ý kiến bạn đọc