Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyên đề
EmailPrintAa
09:53 23/09/2013

Ngày 30-3-2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, ngày 2-3-2012, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”, trong đó yêu cầu: “Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, đảng viên”.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc sinh hoạt chuyên đề là nhằm tập trung thảo luận sâu một mặt công tác hoặc vài vấn đề bức xúc đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, qua đó đề ra giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ. Nhiều cấp ủy đã xây dựng đề án, kế hoạch và hướng dẫn… cho các chi bộ trực thuộc về nội dung, cách thức và một số vấn đề cần lưu ý trong sinh hoạt chuyên đề, các tổ chức cơ sở đảng đã nhận thức rõ hơn về sinh hoạt chuyên đề, giúp đảng viên tìm hiểu, thảo luận các nội dung liên quan đến các quy định của Trung ương về cụ thể thi hành Điều lệ Đảng, công tác xây dựng tổ chức đảng, thảo luận và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung cấp bách xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu ra; đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW về Tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,… bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở đảng còn xây dựng các chuyên đề gắn với việc nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị cơ sở, vì thế góp phần nâng cao một bước chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở.

Bên cạnh kết quả đạt được, sinh hoạt chuyên đề còn một số hạn chế.

Một là, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít trong các kỳ sinh hoạt; vẫn còn tình trạng có tổ chức đảng chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề.

Hai là, sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ còn hình thức, chưa thiết thực, việc lựa chọn nội dung sinh hoạt chung chung, chưa phải là những nội dung cần thiết, bức xúc đưa ra bàn để tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Ba là, một số nội dung sinh hoạt chuyên đề chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, đảng viên tham gia ý kiến ít sôi nổi, chưa đồng đều, chủ yếu là đóng góp về câu từ, mà chưa làm rõ vấn đề hạn chế, nguyên nhân và giải pháp thực hiện, nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra.

Bốn là, một số báo cáo chuyên đề chưa phân tích, đánh giá đúng, đầy đủ, cụ thể những hạn chế, nguyên nhân nên việc đề ra giải pháp chưa cụ thể, sơ sài, không khả thi.

Những hạn chế trên một phần là cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng đắn về sinh hoạt chuyên đề, chưa có sự đầu tư nội dung sinh hoạt chuyên đề, cũng như lựa chọn, phân công chi ủy viên, đảng viên có trình độ, năng lực và hiểu biết các vấn đề trong lĩnh vực lãnh đạo của chi bộ để chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, vai trò của bí thư chi bộ chưa được phát huy đúng mức, đặc biệt là trong việc điều hành sinh hoạt chuyên đề, nên đảng viên chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề.

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, xin nêu một vài giải pháp: 

Thứ nhất, các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức tiến hành sinh hoạt chuyên đề; đồng thời, theo dõi, kiểm tra việc sinh hoạt chuyên đề. Nên phân công cấp ủy viên thường xuyên dự, giám sát, hướng dẫn các chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề.

Thứ hai, quán triệt cho cấp ủy và đảng viên hiểu thống nhất về sinh hoạt chuyên đề, tạo ra sự đồng thuận và nhất trí cao trong lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề, phân công người có trình độ, năng lực chuẩn bị nội dung các chuyên đề thiết thực với yêu cầu, nhiệm vụ của chi bộ.

Thứ ba, phát huy vai trò điều hành sinh hoạt chuyên đề của bí thư chi bộ, bí thư phải nghiên cứu, nắm chắc các vấn đề để gợi mở và tạo điều kiện cho đảng viên đóng góp ý kiến; lắng nghe ý kiến của đảng viên, kể cả các ý kiến đối lập, tránh nóng vội, gây không khí căng thẳng; tổng hợp ngắn gọn và kết luận đúng, đầy đủ nội dung chi bộ đã thảo luận.

Thứ tư, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đảng viên trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề, nhất là đánh giá những hạn chế, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, trên tinh thần xây dựng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trong chi bộ.

Tô Nài Não - Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng


    Ý kiến bạn đọc