Nâng tuổi nghỉ hưu: Cần có lộ trình cụ thể
EmailPrintAa
08:51 27/08/2013

Việt Nam cho rằng, việc cân đối được mức đóng góp với tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là điều cần phải nghiên cứu kỹ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể bắt đầu bị thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2034 nếu không có những thay đổi chính sách kịp thời. 

Một trong những khuyến nghị của ILO là tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam giới và nữ giới lên 65 bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Việt Nam, vấn đề này cần có giải trình hợp lý và lộ trình cụ thể, tránh gây xáo trộn. 

Một trong những khuyến nghị mà đại diện ILO đưa ra mới đây đối với Việt Nam nhằm đảm bảo tính bền vững của quỹ bảo hiểm xã hội là nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam giới và nữ giới lên 65 tuổi. 

Theo ILO, mặc dù pháp luật của Việt Nam hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu ở nữ giới là 55 và nam giới là 60, nhưng tính trung bình chung ở tất cả các lĩnh vực, thì tuổi nghỉ hưu thực sự là 53,4 tuổi. Trong khi thực tế hiện nay tuổi thọ của người dân đang nâng lên và tỷ lệ số người hưởng bảo hiểm xã hội trên số người đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng mạnh. Do vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối đóng và hưởng bảo hiểm xã hội trong tương lai là rất cần thiết. 

Báo cáo của ILO cũng cho biết năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn “già hóa dân số”, khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Trong giai đoạn 2020-2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số có thể ở mức cao nhất châu Á. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là bắt buộc để có lực lượng lao động đủ để bù đắp sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời cũng cần áp dụng độ tuổi nghỉ hưu chung cho cả nam giới và nữ giới để Việt Nam có thể tận dụng được tốt nhất nguồn nhân lực sẵn có trong nước. 

Ông Christian Bodewig, chuyên gia cao cấp của ILO cho rằng: “Chúng ta đang có một lực lượng lao động trẻ. Nhưng vấn đề là tỷ lệ lao động trẻ này sẽ thay đổi rất nhanh và sớm chuyển sang phía bên kia của đường cong trong xu thế điều chỉnh lực lượng lao động. Vì vậy, để cân bằng và giúp cả hệ thống được duy trì bền vững thì chúng ta cần xây dựng sự đồng thuận, trao đổi rộng rãi với công chúng để xã hội thấy được những điểm căn bản để cùng chung tay giải quyết vấn đề.” 

Bày tỏ ý kiến trước khuyến cáo trên của đại diện ILO, Phó Giáo sư Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng chỉ giúp kéo dài khả năng tồn tại của quỹ hưu trí thêm một thời gian nữa, trong khi để thực sự bền vững, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm tới việc xây dựng chính sách an sinh xã hội đa tầng thu hút sự đóng góp phù hợp với từng tầng lớp trong xã hội. 

Phó Giáo sư Giang Thanh Long nói: “Khả năng chấp nhận khi thay đổi chính sách, tính giải trình trong chính sách là việc báo cáo này cần phải tính đến. Tôi cho rằng, những kiến nghị này cần phải đặt vào kịch bản rất rõ để từ đó chỉ ra rằng cái nào là kịch bản xấu, cái nào là kịch bản có thể chấp nhận được trong điều kiện sắp tới của Việt Nam khi Việt Nam trở thành dân số già. Việc làm sao cân đối được mức đóng góp với việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình như thế nào là một trong những điều tôi cho rằng nghiên cứu này cần phải bổ sung thêm để chỉ ra được lộ trình đó không phải là lộ trình gây sốc, mà là lộ trình dần dần trong bối cảnh của nước ta”. 

Còn theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội), với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, để tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì người tham gia bảo hiểm bắt buộc chỉ cần hợp đồng đủ 1 tháng trở lên là đủ điều kiện và mức đóng cũng hạ thấp hơn chứ không theo mức lương cơ sở như trước. 

Căn cứ vào những sửa đổi này, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tân kiến nghị các chuyên gia ILO dựa trên những thay đổi chính sách đó để tính lại dự báo cân đối quỹ, làm sao đưa ra được những con số cập nhật và chính xác hơn để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách. 

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tân đề nghị: “Theo tôi, vấn đề điều chỉnh các chính sách bảo hiểm xã hội không phải mang tính chất kỹ thuật mà vấn đề đặt ra là nó mang cả tính chất xã hội để sao cho tất cả các kịch bản này, những vấn đề đưa ra này phải tạo được sự đồng thuận và xã hội chấp nhận. Tôi nghĩ các cơ quan soạn thảo cần phải đưa ra lộ trình phù hợp để sao cho xã hội dần chấp nhận được các phương án”. 

Vấn đề già hóa dân số cũng như bảo hiểm an sinh xã hội nếu không được quan tâm đúng mức có thể trở thành một gánh nặng đối với đất nước khi có quá nhiều người sống phụ thuộc. Việc tăng hay không tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là đối với nữ giới cũng đã được đưa ra thảo luận thời gian qua ở nhiều cuộc hội thảo khoa học và kể cả diễn đàn Quốc hội khi góp ý kiến cho Bộ luật Lao động sửa đổi. 

Đa số ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải xét ở nhiều góc độ khác nhau như lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sức khỏe, thói quen, văn hóa… còn nếu chỉ xem xét ở khía cạnh Quỹ Bảo hiểm xã hội thì cần có nghiên cứu, đánh giá sâu hơn. Nhiều trang báo điện tử cũng đã thăm dò ý kiến độc giả về việc nên giữ nguyên hay tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ giới. Kết quả cho thấy, hầu hết ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay: nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi./.


    Ý kiến bạn đọc