Ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII
EmailPrintAa
08:19 23/05/2012

Nghe báo cáo Dự thảo 2 bộ Luật quan trọng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, hôm nay ngày 22/5/2012 Quốc hội họp tại Hội trường để thảo luận và cho ý kiến vào hai dự án Luật. Buổi sáng Quốc hội nghe Báo cáo của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Báo cáo của Ủy ban về các VĐXH tính đến ngày 16/3/2012 đã có 40 Đoàn ĐBQH và 7 ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý bằng văn bản về dự án Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá gửi về Ủy ban. Trên cơ sở này, UBTVQH đã giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá lần này gồm 5 chương, 35 điều, tăng 3 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình QH tại kỳ họp trước. Về một số ý kiến khác nhau, băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật; lo ngại rằng sau khi ban hành Luật có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá; có thể làm tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá... UBTVQH cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô cần phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân.
Trên cơ sở nghe giải trình và nêu quan điểm của UBTVQH đối với một số nội dung còn ý kiến khác nhau như: về Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá,về giải thích từ ngữ.v.v. trong phiên thảo luận buổi sáng đã có 32 vị đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận.
Nhìn chung, đa số các ý kiến của đại biểu cơ bản thống nhất với về dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến đề nghị để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực cao sau khi ban hành, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung và điều chỉnh một số vấn đề cụ thể như: nên có quy định cụ thể quy chế hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, quy chế quản lý quỹ này và thông nhất tên gọi sao cho phù hợp; Cần có chế tài mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nâng mức xử phạt đối với các hoạt động nhập khẩu trái phép, nhập lậu thuốc lá từ mức xử phạt hành chính lên xử lý hình sự. Và các quy định này cần được cụ thể và giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của luật.
Về dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền, đến nay đã có 49 văn bản của các Đoàn đại biểu Quốc hội và 5 văn bản của đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến về dự án Luật gửi về cho Ủy ban Kinh tế trước ngày diễn ra kỳ họp.
Tiếp thu các ý kiến, trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung như: Về phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền cần có quy định mang tính nguyên tắc để phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa dự án Luật phòng, chống rửa tiền và dự án Luật phòng, chống khủng bố; Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật và ý kiến khác nhau về khái niệm “rửa tiền” và khái niệm “tài sản”, đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên khái niệm về “rửa tiền” và khái niệm về “tài sản” như đã được chỉnh sửa trong dự án Luật; Về các hành vi bị cấm đề nghị Quốc hội cho giữ lại kết cấu như đã trình, có bổ sung, chỉnh lý theo hướng bao quát hơn các hành vi bị cấm thành 7 khoản như quy định tại Điều 7 dự án Luật; Về cá nhân có ảnh hưởng chính trị; Về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờ; Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; Về Cơ quan phòng, chống rửa tiền.
Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội trường các ý kiến đều tán thành với nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền của UBTVQH và dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền và tham gia đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể vào một số nội dung khác của dự thảo Luật như: Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống rửa tiền; Sửa đổi, bổ sung cho cụ thể hơn, rõ hơn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an; Quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác của Chính phủ; Quy định về trách nhiệm bảo mật thông tin của các cơ quan nhà nước và Quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền...
Trên cơ sở nội dung làm việc trong ngày hôm nay, dự kiến vào ngày 18/6 tới Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật phòng, chống rửa tiền và Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.

    Ý kiến bạn đọc