Người đại diện trình bày nội dung khiếu nại phải là người khiếu nại
Theo Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại vừa được Chính phủ ban hành, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.
Việc cử đại điện được thực hiện như sau: Trường hợp có từ 5-10 người khiếu nại thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người.
Việc cử người đại diện để trình bày khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử đại diện.
Khi phát sinh việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung ở xã, phường, thị trấn, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phân công cán bộ tiếp đại diện của những người khiếu nại để nghe trình bày nội dung khiếu nại. Trường hợp phức tạp, Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp, nghe đại diện của những người khiếu nại trình bày nội dung khiếu nại.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi có người khiếu nại tập trung; cũng như thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND cấp xã thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật khiếu nại thuộc thẩm quyền. Nếu khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Công khai quyết định giải quyết khiếu nại
Quy định về nội dung này trong Nghị định nêu rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trường hợp công bố tại cuộc họp thì thành phần tham dự cuộc họp phải bao gồm: Người ra quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết. Thời gian thông báo phải trước 3 ngày làm việc.
Việc thông báo quyết định giải quyết khiếu nại trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện trên báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm lựa chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện việc thông báo. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử.
Số lần thông báo trên báo nói ít nhất 2 lần phát sóng; trên báo hình ít nhất 2 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất 2 số phát hành; thời gian đăng tải trên báo điện tử, trên cổng thông tin điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày đăng thông báo.
Trường hợp niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại, thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2012.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)