Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, so với Pháp lệnh hiện hành, Dự thảo luật đã cụ thể hóa, bổ sung nhiều nội dung, hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý cho hoạt động DTQG. Tuy nhiên, còn một số điểm cần được tiếp tục hoàn thiện.
Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận là về mục tiêu Dự trữ quốc gia. Theo quy định trong Dự thảo, mục tiêu DTQG nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về mục tiêu trong Dự thảo luật là quá rộng so với nguồn lực DTQG và chưa phù hợp với bản chất của DTQG; do đó đề nghị xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải. Theo đó, nguồn lực DTQG chỉ được sử dụng trong trường hợp đột xuất, cấp bách, bất khả kháng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, đời sống, an sinh xã hội trên phạm vi rộng mang tính vùng, miền, toàn quốc và quốc phòng, an ninh quốc gia. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Đoàn Hà Tĩnh) nêu ý kiến: Nếu quy định như Dự thảo thì chưa nhấn mạnh được tính cấp bách, đột xuất của dự trữ. Chúng ta cần tránh lạm dụng nguồn lực của dự trữ để can thiệp, điều tiết vào thị trường, tức là can thiệp từ dự trữ quốc gia vào sản xuất kinh doanh. Những can thiệp này đã có những luật khác quy định.
Đại biểu Trần Tiến Dũng, Đoàn Hà Tĩnh (Ảnh: Mạnh Hùng)
Về vấn đề xã hội hóa, có nên xã hội hóa nguồn lực dự trữ quốc gia hay không và xã hội hóa ở khâu nào, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, việc Dự thảo quy định mục tiêu “bình ổn thị trường” của dự trữ quốc gia là chưa hợp lý bởi điều này có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, phức tạp trong triển khai thực hiện. Mặc dù quy định mục tiêu bình ổn thị trường nhưng Dự thảo lại chưa làm rõ trong điều kiện nào, tình huống nào thì được phép xuất nguồn lực dự trữ quốc gia để tham gia bình ổn thị trường. Về danh mục dự trữ quốc gia, một số đại biểu cho rằng quy định như Dự thảo là chưa sát với tình hình thực tế. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) đề nghị: Phạm vi của Dự thảo như vậy là rộng, cần thu hẹp lại và chúng ta chỉ lựa chọn những danh mục có tính chiến lược, rất cần thiết để phục vụ cho an ninh quốc phòng và tình huống khẩn cấp. Bổ sung thêm khoản 4 là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền bổ sung hành hóa cần thiết.
Liên quan đến kỹ thuật lập pháp, theo đại biểu Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) và một số đại biểu, không nên quy định về mục tiêu ngay tại Điều 1 của dự thảo Luật bởi Điều 1 và Điều 2 thường chỉ quy định liên quan đến đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh. Đại biểu Chu Sơn Hà cũng cho rằng, không nên quy định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong Luật mà nên điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật.
Liên quan đến tổng mức đầu tư cho dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm, nhiều đại biểu cho rằng, nội dung này cần xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định. Bởi việc huy động nguồn lực là một vấn đề lớn, phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là ngân sách Nhà nước. Đại biểu Lê Văn Hoàng, (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị: Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu, cần phải tính toán kỹ hơn. Bởi việc huy động nguồn lực là vấn đề lớn, có tăng được nguồn lực hàng năm hay không phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách. Đại biểu đề nghị không quy định vấn đề này "cứng" mà nên giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế trình Quốc hội xem xét.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Đoàn Tiền Giang), do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn DTQG hiện còn mỏng nên thời gian qua, mục tiêu góp phần ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt yêu cầu nhưng không vì thế mà bỏ mục tiêu này. Mặt khác, việc bổ sung mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để góp phần bảo đảm sự ổn định xã hội, là căn cứ để quyết định các mặt hàng DTQG và quyết định mức DTQG.
Đại biểu Bùi Đức Thụ, Đoàn Lai Châu (Ảnh: Mạnh Hùng)
Cũng đồng tình với quy định của Dự thảo Luật, đại biểu Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu) cho rằng, thông qua việc mua, bán hàng DTQG, góp phần ổn định thị trường. Đây cũng là một trong những nhân tố trong tổng thể các nhân tố điều chỉnh cung cầu cũng như các chính sách của Nhà nước. Tuy vậy, đại biểu cũng tán thành việc bỏ mục tiêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, cũng không nên thiết kế vấn đề mục tiêu thành một điều riêng. Một số đại biểu đề nghị đưa nội dung này vào Điều 5 của Dự thảo Luật. Theo phân tích của đại biểu Lê Bộ Lĩnh (Đoàn An Giang), DTQG có ít nhất 3 nguồn lực, gồm: Dự trữ tài chính, dự trữ chuyên ngành, dự trữ vật chất hàng hóa thiết yếu. Do đó, cần xác định rõ phạm vi 3 nguồn lực DTQG trong Luật này.
Đại biểu Lê Bộ Lĩnh, Đoàn An Giang (Ảnh: Mạnh Hùng)
Theo đại biểu Lê Bộ Lĩnh, không cần thiết quy định bình ổn thị trường với tất cả các mặt hàng nhưng có những lĩnh vực dứt khoát phải có sự can thiệp của Nhà nước thông qua DTQG để bình ổn như năng lượng, lương thực.
Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Trong thực tế, DTQG chưa bao giờ được sử dụng để bình ổn giá, điều tiết thị trường hoặc các hoạt động không đúng bản chất của DTQG. Tuy nhiên, hoạt động DTQG, mua, bán hàng DTQG tuy không trực tiếp nhưng gián tiếp góp phần điều tiết thị trường, bình ổn giá. Vì thế, để thể hiện mục tiêu cho phù hợp với bản chất DTQG, Uỷ ban Thường vị Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý vấn đề này.
Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về hàng hóa, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành DTQG; tổng mức DTQG; mua, bán hàng DTQG...
Ngày mai (12/6), theo chương trình, Quốc hội thảo luận tại Hội trường dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế./.