Nhân kỷ niệm 144 năm Ngày sinh V.I Lênin (22-4-1870 - 22-4-2014) : V.I.Lê-nin về tính chất dân chủ của Nhà nước Xô viết
EmailPrintAa
10:32 22/04/2014

Nhà nước Xô viết được thành lập sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, mặc dầu chỉ tồn tại chưa đầy một thế kỷ (1917-1991) nhưng đã để lại cho hậu sinh những bài học vô giá. Nhà nước Xô viết đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào độc lập, dân tộc, dân chủ và và hòa bình  trên thế giới phát triển vượt bậc.

Theo V.I.Lê-nin, chính quyền Xô viết là một kiểu nhà nước "đã được khảo nghiệm và do phong trào quần chúng cùng cuộc đấu tranh cách mạng đẻ ra-của giai cấp vô sản và nông dân nghèo (nửa vô sản)"(1) .V. I. Lê-nin cho rằng cần phải củng cố và phát triển chính quyền mới. Việc củng cố và phát triển này phải nhằm thực hiện (một cách rộng rãi hơn) những nhiệm vụ mà lịch sử đã giao cho cái hình thức chính quyền đó, cho cái kiểu nhà nước mới đó, nghĩa là: Thực hành một chế độ dân chủ đầy đủ hơn, do tính chất ít hình thức hơn và dễ dàng hơn của việc bầu cử và bãi miễn đại biểu.Việc củng cố và phát triển chính quyền mới này phải thể hiện được tính ưu việt của nó trên các mặt sau đây:

1. Trong lĩnh vực chính trị: "Áp dụng hiến pháp cho toàn thể dân cư" (2). Mọi công dân trong nước cộng hòa đều bình đẳng trước pháp luật. Đảm bảo đoàn kết dân tộc trong toàn Liên bang, làm cho mọi người lao động biết tự nguyện đứng lên trên sự hiềm khích dân tộc. Đảm bảo tự do dân chủ thực sự cho nhân dân lao động. V.I.Lê-nin yêu cầu: "Trọng tâm là phải từ chỗ thừa nhận về mặt hình thức những quyền tự do (như dưới chế độ đại nghị tư sản) đến chỗ đảm bảo thực tế cho những người lao động-những người đã lật đổ bọn bóc lột- được hưởngnhững quyền tự do"(3). Phải bằng mọi cách "lôi cuốn có hệ thống ngày càng nhiều công nhân rồi sau đó toàn thể công dân vào việc trực tiếp và hằng ngày gánh phần trách nhiệm nặng nề của mình trong công tác quản lý Nhà nước. Theo V.I.Lê-nin, đây là việc rất quan trọng nhưng rất mực khó khăn. "Một thiểu số người tức là Đảng không thể thực hiện CNXH được. Chỉ có hàng chục triệu người, khi đã học được cách tự mình thiết lập CNXH thì mới thực hiện được CNXH... Công lao của chúng ta là ở chỗ chúng ta cố gắng giúp đỡ quần chúng tự mình bắt tay ngay vào công việc đó...”(4).

2. Trong lĩnh vực kinh tế, đảm bảo sự quản lý tập trung thống nhất của chính quyền Xô viết ở tất cả các khâu trọng yếu của nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, thương nghiệp, ngân hàng, ngoaị thương. Phát triển chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chính quyền Nhà nước phải nắm những khâu, những lĩnh vực quan trọng nhất.Thực hiện đầy đủ chế độ nghĩa vụ lao động đối với tất cả công dân. "Tập trung hoàn toàn việc quản lý ngân hàng vào trong tay nhà nước và phải tập trung tất cả sự chu chuyển tiền tệ - thương nghiệp vào các ngân hàng... Bắt buộc phải mở tài khoản vãng lai ở ngân hàng và chỉ được chuyển tiền qua ngân hàng thôi" (5). Phổ biến hóa chế độ kiểm kê kiểm soát. Tổ chức thi đua, nâng cao năng suất lao động và thực hành tiết kiệm.

3. Trong lĩnh vực giáo dục, đẩy mạnh việc học tập, nâng cao dân trí. Phải làm cho mọi công dân dưới chế độ mới hiểu rằng: Người mù chữ thì đứng ngoài chính trị. Những người cộng sản phải là người gương mẫu, chịu khó học tập, phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng kiến thức của nhân loại đã sáng tạo ra. Phải chăm lo đầy đủ đến việc tổ chức đúng đắn công tác thư viện ở Nga. Giao cho Bộ dân ủy giáo dục "trách nhiệm áp dụng ngay những biện pháp cương quyết nhất, một là, để tập trung công tác thư viện ở Nga, hai là, để áp dụng phương pháp của Thụy Sĩ và Mỹ".(6)

4. Về tổ chức bộ máy nhà nước Xô viết, cần phải được tinh gọn, chống cồng kềnh quan liêu, thói vô trách nhiệm và thiếu văn hóa trong quản lý nhà nước. V.I. Lê-nin cho rằng vấn đề khó nhất sau khi giành được chính quyền là làm thế nào để biết quản lý mà cái khó khăn lớn nhất là ở chính ngay sự tự ý thức của chủ thể quản lý, trong nội bộ tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước. Tự ý thức để đưa văn hóa vào quản lý, để thắng được những lạc hậu, tiêu cực, những cản trở - những “kẻ thù bên trong” như Lênin và sau này là Hồ Chí Minh chỉ ra ở nước ta. Đó là tính “kiêu ngạo cộng sản” của không ít đảng viên của đảng cầm quyền. Họ “tưởng rằng chỉ bằng những pháp lệnh cộng sản là có thể giải quyết được tất cả mọi nhiệm vụ của mình. Khi họ là đảng viên của một đảng chấp chính và là nhân viên công tác ở một cơ quan nhà nước nào đó, thì trên cơ sở đó họ nghĩ rằng điều đó làm cho họ có thể nói đến những kết quả…”(7). Đó là trình độ học vấn thấp kém. Sự thiếu hụt kiến thức đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của lãnh đạo và quản lý bởi nó không có triết lý, không có chính kiến nhất quán mà chỉ là sự chắp vá, sự lặp lại những kinh nghiệm của “ngày hôm qua” hoặc là sự bắt chước. Đối với một xã hội dân chủ nhưng lại thấp kém về văn hoá thì nhà lãnh đạo và quản lý chỉ có thể nhận được “những tin đồn đại, những chuyện nhảm nhí, những chuyện hoang đường, những thiên kiến, chứ không phải chính trị”(8). Đó là quan liêu xa thực tế, xa cấp dưới và xa dân, chỉ làm việc theo kiểu bàn giấy; là không biết “tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực”; là không chịu “chi tiêu tiết kiệm”, là “lười biếng”, “tham ô” và không “làm theo kỷ luật”. Chính vì vậy mà tệ tham nhũng và nạn hối lộ khuynh đảo cả bộ máy chính quyền các cấp, và rằng: “Nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được…” thì “mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tiễn nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành”(9). Đó là ở sự nhận ra sai lầm, công khai nhận rõ nguyên nhân sai làm và biết tìm cách sửa chữa. Đó là  tập thể bàn thảo, cá nhân phụ trách, là  vai trò và trách nhiệm cho người đứng đầu…Nhiều lần, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Thảo luận thì thảo luận chung, nhưng trách nhiệm là của từng người”(10). Người đặc biệt chú ý đến việc bàn thảo dân chủ, bởi vì “cách mạng thì không thể phát triển được nếu không trải qua một thời kỳ mà mọi người cùng nhau thảo luận rộng rãi về tất cả mọi vấn đề”(11). V.I. Lê-nin đã phê phán cách hội họp cho “phải phép”, rút cuộc ý định chủ quan của người đứng đầu (có thể sai) vẫn được “tập thể thông qua Nhà quản lý cũng phải biết “phân biệt được cái gì là cần thiết cho các cuộc hội họp thảo luận và cái gì là cần thiết cho việc quản lý… Đáng tiếc là… phần lớn các cuộc đại hội đều đã được tiến hành một cách không thực tế”.V.I. Lê-nin  cho rằng “so với tất cả các nước trên thế giới, thì chúng ta chiếm kỷ lục về số lượng đại hội. Không một nước cộng hòa dân chủ nào lại họp nhiều đại hội như nước ta, vả lại họ cũng không cho phép họp nhiều đại hội như thế”(12)

5. Trong chính sách quốc tế, “ủng hộ phong trào cách mạng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa, trước hết là trong các nước tiên tiến... Đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa xã hội-sô vanh. Ủng hộ phong trào dân chủ và phong trào cách mạng ở tất cả các nước nói chung, đặc biệt ở các nước thuộc địa và phụ thuộc”(13). Ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc

Nhờ có tư tưởng của V.I.Lê-nin về dân tộc, Hồ Chí Minh đã tìm được con đường giải phóng cho dân tộc ta đưa tới cuộc Cách mạng Tháng Tám năm1945 thành công. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời (2-9-1945), Đảng ta do có sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Hồ Chủ tịch, học tập kinh nghiệm của nhà nước Xô viết, kế thừa tinh hoa của nhà nước cộng hòa tư sản, vận dụng sáng tạo và phát triển nó nên bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp năm 1946 đã ra đời (Hồ Chủ tịch làm Trưởng ban dự thảo, Quốc hội khóa 1 thông qua ngày 9-11-1946). Tiến hành tổng tuyển cử toàn dân trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài đe dọa, ban hành bản Hiến pháp dân chủ sớm nhất Đông Nam châu Á ngay sau khi mới giành được chính quyền (1946) là thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh cách mạng và khoa học,tinh thần độc lập tự chủ trong tư duy và hành động, quyết tâm sắt đá của Đảng ta đứng đứng đầu là Hồ Chủ tịch trong việc xây dựng một nhà nước dân chủ phù hợp với trào lưu tiến bộ của loài người và thông lệ quốc tế. Điều này thể hiện rõ ngay trong Chương I của bản Hiến pháp 1946: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp tôn giáo” (Điều 1); “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6). “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến thiết tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều7). “Công dân Việt Nam có quyền:  tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng.tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo và hướng dẫn xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam theo nguyên tắc:"Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân, như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ" (14). Người đòi hỏi mọi cán bộ khi thi hành công vụ đều phải tuân theo phép nước. Người chỉ rõ: "Nhà nước của ta phải "phụ trách" trước nhân dân. Người phê bình cách làm việc quan liêu, "cái gì cũng dùng mệnh lệnh ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng bắt dân chúng theo...Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại"(15).

Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo  xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là có sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lê-nin, là sự gặp gỡ có sự thống nhất và cũng có sự khác biệt của hai trí tuệ lớn và đều để lại những bài học quý báu, nóng hổi tính thời sự. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và được xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945  theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhà nước  dân chủ nhân dân  chứ không phải là nhà nước chuyên chính vô sản như Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười.

----------------

(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, M. 1977, t.36, tr. 90. (2),(3), (4,),(5),(6),(13) V.I. Lê-nin, Toàn tập,t. 36, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 92, tr. 68, tr. 94, tr. 525, tr. 95. (7),(8),(9),(10),(11),(12) V.I.Lênin, Toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, t.44, tr.217, tr.218, tr.219, tr.207, tr.207, tr.207. (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự Thật, HN.1985,t. 5,  tr. 393.  (15) (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Sự Thật, HN, 1984,t.5, tr. 516, 517).

PGS.Trần Đình Huỳnh


    Ý kiến bạn đọc