Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: LINH KHOA)
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình nghị sự tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (Chương trình).
Xây dựng pháp luật bảo đảm liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 có một số yếu tố đặc thù tác động không nhỏ đến công tác lập và thực hiện Chương trình. Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cũng như nhiều cơ quan khác ở trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh với nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Trong bối cảnh đó, công tác lập và triển khai Chương trình tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả và đạt được kết quả tích cực.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Nhà nước ta, ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất, trình Quốc hội quyết định trong Nghị quyết kỳ họp các biện pháp đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ, trao quyền mạnh mẽ cho Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng thời, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội không họp các biện pháp cần thiết chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật nhằm kịp thời phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. (Ảnh: LINH KHOA)
Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đã chủ động, linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động, sáng tạo trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ như làm việc từ xa, tổ chức các phiên họp, hội nghị, hội thảo trực tuyến để xem xét, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội cùng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức xây dựng, trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và ban hành Kết luận số 19-KL/TW làm cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức chủ động thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao. Trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các chủ thể khác trong quy trình lập pháp tiếp tục được tăng cường; công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn.
Sửa đổi Luật Đất đai là cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2022 các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm gồm: Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Qua xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình năm 2022, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và chất lượng chuẩn bị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2023.
Quang cảnh phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: LINH KHOA)
Nếu được Quốc hội thông qua thì dự kiến Chương trình năm 2022 sẽ là: trình Quốc hội thông qua 5 luật, 4 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022); trình Quốc hội thông qua 7 luật (gồm 1 luật theo quy trình tại một kỳ họp mới được bổ sung, 6 luật đã có trong Chương trình), và cho ý kiến 7 dự án luật tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Dự kiến Chương trình năm 2023 bao gồm: trình Quốc hội thông qua 6 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 6 dự án luật tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023); trình Quốc hội thông qua 6 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 2 dự án luật tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Trong Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).
Nguồn: HOÀI VĂN/nhandan.vn
Tin mới cập nhật
- Làm sâu sắc thêm tin cậy chính trị và nâng cao hợp tác giữa các đảng chính trị ở khu vực châu Á ( 22/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia ( 22/11)
- Tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thông qua việc sắp xếp, mở rộng, tăng quy mô đơn vị hành chính ở các đô thị Việt Nam ( 22/11)
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ( 15/11)
- Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ( 13/11)
- Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội ( 12/11)