Nhiều ý kiến trái chiều về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
EmailPrintAa
08:39 28/05/2014

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), có 158 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 24 ý kiến phát biểu tại hội trường và 5 ý kiến góp ý bằng văn bản. Về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100), dự thảo luật được trình tại kỳ họp thứ 7 quy định cụ thể hơn như: người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo pháp luật lao động và pháp luật bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất là 60 ngày kể từ ngày sinh để đảm bảo sức khỏe sau khi sinh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày trước khi đại biểu thảo luận nêu rõ, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn là có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha mẹ, hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế thực hiện được các kỹ thuật này. Nếu pháp luật không quy định thì do nhu cầu một số cặp vợ chồng vẫn thực hiện việc này, dẫn đến quyền lợi, sức khỏe và kể cả tính mạng của phụ nữ, trẻ em không được bảo đảm, tranh chấp có thể phát sinh, đồng thời không tránh khỏi phát sinh việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, trái thuần phong mỹ tục.

Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật. Đồng thời, để quy định chặt chẽ tránh việc lợi dụng thương mại hóa, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi, sức khỏe của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật, tai biến sản khoa... nhiều quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh sửa.

Thảo luận tại hội trường, một trong những điều, khoản được các đại biểu quan tâm cho ý kiến nhiều nhất đó là quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, hiện nay, tỷ lệ vô sinh của Việt Nam không hề nhỏ, nên quy định về mang thai hộ cũng là một hướng mở nhân đạo cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, không có khả năng sinh con vẫn thực hiện được quyền làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, đại biểu Thuyết cho rằng quy định này phải thật chặt chẽ để tránh thương mại hóa vấn đề này; bảo vệ quyền lợi của các bên, bảo vệ quyền của trẻ em.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng tán thành với quy định này, song đại biểu Phương đền ghị Luật cần bổ sung thêm quy định: Người mang thai hộ phải chứng minh được điều kiện tài chính của mình trong quá trình mang thai và sinh con; Phải có chế tài xử lý đối với những trường hợp trẻ sinh ra không phải con của người nhờ mang thai hộ.

Đồng tình với quy định này, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, hiện cả nước có khoảng 700.000 cặp vợ chồng khó sinh con. Quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đưa vào Luật sẽ đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh này.

Băn khoăn với quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề xuất Quốc hội nên cân nhắc kỹ xem có nên đưa quy định mang thai hộ vào luật lần này hay tạm thời gác lại lại để nghiên cứu tiếp? Thực tế nhu cầu mang thai hộ đã thành phổ biến, đã đủ nhiều để cần luật điều chỉnh chưa?

Theo bà Hạnh, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng mang thai hộ tốn kém và chỉ những cặp vợ chồng có điều kiện, những người giàu có mới thực hiện được nên vô tình sẽ tạo thêm sự phân biệt giàu - nghèo….

Dự thảo mới đặt dưới góc độ ý muốn của các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống nhưng lại làm nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết. Người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là trẻ. Trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế. Trẻ không thể gọi người cưu mang mình trong quá trình thai kỳ là người mang thai hộ, mà phải gọi là mẹ. Như vậy, trong hồ sơ pháp lý pháp nhân, phần khai về mẹ, ngoài việc phân biệt mẹ ruột, mẹ nuôi còn có mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó xử lý”, bà Hạnh phân tích.

Đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu Hạnh, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng cho rằng, quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dù đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng vô sinh nhưng lại ẩn chứa hậu quả khôn lường vì mang thai hộ ẩn chứa tính chất thương mại, gây xung đột, làm tổn thương đến người mẹ và trẻ em mà pháp luật khó có cơ sở xử lý. Thực tế, việc thực hiện kỹ thuật này rất tốn kém nên chỉ có những gia đình giàu có mới có thể thực hiện được.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cũng không đồng ý đưa quy định này vào Luật. Theo ông Niễn, tính bức xúc của vấn đề chưa rõ. “Đây có phải là vấn đề bức xúc của những người vô sinh hay không, chưa có thể khẳng định được. Bời chưa có một khảo sát nào về việc có bao nhiêu phần trăm trong số 8% số người vô sinh, hiếm muộn có nhu cầu cần người mang thai hộ? Có bao nhiêu người chồng đồng ý ký vào đơn để vợ mình mang thai hộ? Có bao nhiều người phụ nữ đã có chồng, sinh con sẽ mang thai hộ? Đã có những đánh giá về tôn giáo, xã hội, pháp luật hay chưa? Những câu hỏi này chưa có câu trả lời thỏa đáng”, ông Niễn bày tỏ quan điểm.

Ngoài quy định về mang thai hộ, các đại biểu Quốc hội cũng cho nhiều ý kiến về quy định độ tuổi kết hôn; về quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; về chế định ly hôn, chế định ly thân...

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; nghe Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Ngày mai, buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại tổ. Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường./.


    Ý kiến bạn đọc