Nhớ Ngã Ba Đồng Lộc
EmailPrintAa
09:05 25/07/2012

Tháng 7 lại về, tôi chợt nhớ Ngã Ba Đồng Lộc với một tâm trạng bâng khuâng khó tả. Vậy mà đã 5 năm qua nhanh…

Thật may mắn khi được mời tham gia chuyến đi thực tế sáng tác tại Ngã Ba Đồng Lộc vào những ngày cuối tháng 9 năm 2007. Điều may mắn tình cờ này có được khi Báo Công an TP HCM tổ chức sáng tác ca khúc và thơ làm lời cho ca khúc nhân sự kiện 40 năm Ngã Ba Đồng Lộc.

Tuy rất lười trong chuyện “so bút” trên văn đàn, nhưng là một người vốn yêu lịch sử, đặc biệt chú ý đến những sự kiện lịch sử của đất nước, hoạt động liên quan đến Ngã Ba Đồng Lộc đã thu hút sự chú ý của tôi. Hình ảnh mười cô gái tươi xinh, ngây thơ, hồn nhiên và trắng trong như ngọc đang nói cười vô tư bỗng chốc biến mất vào mây trời chỉ sau một loạt bom nổ. Nhìn dưới góc độ nào thì chiến tranh cũng đều tàn khốc.

Tôi tìm đọc lại hàng trăm trang tư liệu về sự kiện lịch sử này. Rồi miên man trong sự suy tưởng của mình để viết về Ngã Ba Đồng Lộc, viết về mười cô gái thanh niên xung phong, mà lẽ ra nếu không có chiến tranh họ có thể là những sinh viên trong giảng đường, những công nhân trong nhà máy hoặc là những thôn nữ dịu dàng dưới rặng tre xanh giữa làng quê thanh bình. Xa hơn nữa, họ là những người mẹ hạnh phúc bên gia đình và chồng con… Tôi viết về mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc với ước muốn những điều tốt đẹp cho quê hương Việt Nam, viết trong lời nguyện cầu thế giới này không bao giờ xảy ra những sự kiện như sự kiện ở Ngã Ba Đồng Lộc.

Khi những bài thơ của tôi được chọn lựa đăng trên website của Báo Công an TP HCM, nhạc sĩ Quỳnh Hợp ở Đài tiếng nói Nhân dân TP HCM đã có liên lạc và đề nghị “độc quyền” phổ những bài thơ này. Thật ra, cùng một đề tài mà viết đến ba bài thơ đã rất khó. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp qua email bảo rằng cần có một bài thơ bao quát được sự kiện, lời lẽ bình dị nhưng dễ gây xúc động hơn. Điều này quả thật là không đơn giản chút nào.

Tượng đài Chiến thắng và Tháp chuông Ngã Ba Đồng Lộc

Thế rồi vào một đêm trực ở bệnh viện, nửa đêm trong giấc ngủ chập chờn, tôi cảm giác như có ai đó, dường như là một cô gái đang đến đứng đầu giường khe khẽ gọi. Tôi choàng tỉnh. Suy nghĩ sáng lên trong đầu tôi đây là một cơn mơ. Cơn mơ này có thể đến từ sự ám ảnh của các O ở Ngã Ba Đồng Lộc mà tôi đang “đeo đuổi” để viết. Không hiểu sao sau cơn mơ đó tôi lại viết rất nhanh một bài khác về Ngã Ba Đồng Lộc với tựa đề “Như mười đóa hoa thơm”. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng đã phổ rất nhanh, cùng đề và nguyên lời bài thơ này cho ca sĩ Diệu Hiền hát và bảo đùa với tôi rằng có lẽ các O đã “phù hộ” nhà thơ! Hiện nay, bài hát có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng internet.

Nhờ sự “phù hộ” đó, tôi có mặt ở Hà Tĩnh cùng các nhạc sĩ, nhà báo đến từ TP HCM để cùng thực hiện chuyến đi thực tế sáng tác về Ngã Ba Đồng Lộc.

Trong dịp này, tôi được đi với những con người đã quá nổi tiếng như các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Trần Long Ẩn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thiện, Hữu Xuân, Phan long, Nguyễn Thập Nhất, Quỳnh Hợp… và nhà thơ Hồ Thi Ca. Đoàn đã được chính quyền cấp tỉnh và các huyện đón tiếp trọng thị. Nhiều buổi giao lưu, gặp gỡ diễn ra. Những người yêu văn nghệ không giấu được nỗi mừng vui khi lần đầu tiên được gặp mặt các tác giả mà mình yêu thích. Buổi tối được chiêu đãi trên chiếc du thuyền ở sông La, một số thanh niên đã chèo thuyền ra xin chữ ký của các nhạc sĩ.

 Tác giả bên Mộ 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc

Có một chi tiết khiến mọi người khó quên là vào một buổi chiều lên viếng Ngã Ba Đồng Lộc, trong lúc lên các bậc tam cấp, có người bảo đùa với một nhà báo nam đang có chuyện không vui vì vợ chồng vừa mới chia tay trước đó không lâu. Câu nói đùa là “Trong đoàn ai cũng vợ chồng đủ cả, chỉ có mình anh cô đơn thôi, nên coi chừng các O “chấm” đấy”. Tối đó khi về dự tiệc chiêu đãi của UBND tỉnh cùng với đoàn nhạc sĩ Việt Nam do Đỗ Hồng Quân dẫn đầu tham dự Liên hoan ca nhạc Bắc Miền Trung lần thứ I, anh bạn nhà báo “cô đơn” trong đoàn đột nhiên lên cơn sốt và nhức đầu dữ dội, phải bỏ tiệc nằm nhà. Sáng hôm sau anh lại khỏe mạnh bình thường và tiếp tục theo đoàn lên rừng, xuống biển. Nhiều người bảo các O đùa tí cho vui, vì các O linh lắm. Tôi cố gắng nghĩ đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng thú thật cũng phải phân vân vì có điều gì đó bất ổn…

Gần một năm sau, vào những ngày cuối tháng 7/2008, tôi lại có dịp ra Ngã Ba Đồng Lộc để tham dự kỷ niệm 40 năm sự kiện Ngã Ba Đồng Lộc. Một chương trình kỷ niệm diễn ra hoành tráng với hơn chục ngàn người tham dự. Tôi đến thắp cho mỗi O một nén nhang và ngắm nhìn di ảnh. Mắt tôi cay cay và rưng rưng trong một cuối ngày khi hoàng hôn đang sậm màu phía chân núi. Nét mặt tinh khôi của các O với những làn môi như đang mấp máy nói với mọi người rằng: Điều hạnh phúc nhất của chúng ta là chiến tranh đã qua rồi…


    Ý kiến bạn đọc