Những tác động của tăng thời gian nghỉ thai sản
EmailPrintAa
08:37 28/06/2012

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quy định mới cho phép kéo dài thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ đến 6 tháng, đồng thời có một số ý kiến đề xuất bổ sung những biện pháp hỗ trợ để chính sách này đi vào cuộc sống, trực tiếp là đáp ứng nguyện vọng lao động nữ.
Lợi ích cho lao động nữ, trẻ sơ sinh và cả đơn vị sử dụng lao động
Đánh giá về chính sách nghỉ thai sản mới đang được rất nhiều người quan tâm, bà Vũ Thị Liên Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ: Đây là một chính sách hết sức nhân văn và mang lại nhiều lợi ích, nhất là trong điều kiện phúc lợi xã hội còn thấp và sức khỏe sinh sản của các bà mẹ còn yếu. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước với lao động nữ và trẻ sơ sinh.
Việc nữ lao động được nghỉ thai sản 6 tháng là yếu tố góp phần bảo đảm sức khỏe cho chính những bà mẹ và trẻ nhỏ, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Ngoài ra, kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ cũng là biện pháp tốt để giảm việc sử dụng các loại sữa sản xuất thay thế sữa mẹ để nuôi con nhưng không phù hợp, chưa đạt yêu cầu chất lượng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh.   
Theo Ths. Luật sư Lê Việt Nga, Công ty Luật Số 5 – Quốc gia, một chính sách nghỉ thai sản ưu việt tạo ra một lực lượng lao động ổn định gắn bó với doanh nghiệp.
Bà Nga nhìn nhận, chính sách này sẽ giải quyết một phần vấn đề về người trông trẻ, bởi một nghịch lý hiện nay là theo quy định, người mẹ chỉ được nghỉ 4 tháng, trong khi đó hệ thống nhà trẻ chính quy chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Vì vậy, rất nhiều gia đình cán bộ công nhân nghèo phải chấp nhận gửi con ở nhà trẻ tư nhân với mức phí cao, mà lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng.
Trên cương vị của người đứng đầu một cơ quan đông nhân viên nữ, bà Lê Thị Bích Thủy, Giám đốc khách sạn Hòa Bình, Hà Nội suy nghĩ, khi tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng, các cơ quan, doanh nghiệp nhiều lao động nữ sẽ khó tránh khỏi những khó khăn. Khi lượng nữ nhân viên nghỉ thai sản nhiều, cơ quan sẽ bị thiếu hụt lao động nhưng nếu tuyển dụng lao động mới để thay thế thì sẽ dẫn đến tình trạng thừa lao động khi lao động nữ đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cũng không quá bị ảnh hưởng vì thực tế, nhiều nữ nhân viên sau khi nghỉ thai sản 4 tháng, do vướng bận con nhỏ, không thu xếp được thời gian nên đã xin nghỉ không lương; hoặc nếu có đi làm thì khi con còn nhỏ, ốm đau, mẹ nghỉ cũng ảnh hưởng đến công việc. Do đó, việc tăng lên 6 tháng cũng là điều hợp lý để người mẹ có thêm thời gian chăm sóc con cái.
Là chủ 1 doanh nghiệp có trên 7.000 lao động nữ, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên cho rằng, việc kéo dài thời gian nghỉ sinh sẽ giảm bớt những phiền hà, khó khăn cho chị em khi phải tìm chỗ gửi con. Hiện nay phần lớn người lao động phải tự chủ động tìm nhà trẻ và tự trang trải các chi phí gửi trẻ. Phụ nữ chỉ được nghỉ sau khi sinh 4 tháng, trong khi đó hệ thống nhà trẻ công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên.
Ông Dương cũng cho biết một thực tế là mặc dù ở Công ty đã áp dụng chế độ cho chị em khi sinh con được nghỉ thai sản 5 tháng, nhưng khoảng 50% số lao động này vẫn xin nghỉ thêm 1- 2 tháng nữa, thậm chí họ còn xin nghỉ không lương đến khi con đủ 12 tháng tuổi mới trở lại làm việc.
Dù đã bỏ lỡ cơ hội được nghỉ thai sản 6 tháng khi sinh đứa con đầu, nhưng chị Nguyễn Ánh Tuyết, công nhân công ty Denso - Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, phấn khởi nói, chính sách mới này rất thiết thực đối với người lao động. “Trước đây không ít lao động nữ chúng tôi ở các khu công nghiệp đã phải bỏ việc sau thời gian nghỉ sinh, thì nay có thể yên tâm, gắn bó hơn với công ty sau thời gian nghỉ dài thêm”, chị Tuyết tin tưởng.
Tác động với doanh nghiệp nhiều lao động nữ
Nhìn nhận về những khó khăn mà người lao động và doanh nghiệp phải đối diện khi tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, Ths. Luật sư Lê Việt Nga, Công ty Luật Số 5 – Quốc gia phân tích, việc trống nhân sự 6 tháng cũng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến năng suất của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với những đơn vị, những ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ nhân viên nữ cao như ngành may mặc, dệt, thực phẩm,…
Cũng theo bà Nga, từ những khó khăn của doanh nghiệp khi giải quyết chế độ thai sản cho lao động nữ sẽ tạo ra một số “ổ gà” đối với người lao động. Đó là, số lượng doanh nghiệp yêu cầu nhân viên cam kết thời gian sinh đẻ sẽ tăng lên; nữ lao động khi đi làm trở lại nguy cơ bị xếp vào vị trí làm việc mới, thậm chí mất việc làm, bởi trong suốt thời gian nghỉ thai sản, vì nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, đã có nguồn lao động “dự trữ” hoặc “mới” thay thế.
Do đó, bà Nga đề xuất, khi áp dụng chính sách mới cần có sự linh hoạt về thời gian 4 hoặc 6 tháng để dễ dàng phù hợp cho mọi đối tượng, cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động. "Thực tế có nhiều trường hợp người mẹ bị mất sữa sớm hoặc do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên muốn đi làm sớm để kiếm thêm thu nhập, chứ chính họ không có nhu cầu nghỉ dài đến nửa năm. Bởi vậy, nên có quy định linh hoạt để người mẹ có quyền lựa chọn và quyết định thời gian nghỉ cho phù hợp với cuộc sống, công việc và hoàn cảnh kinh tế", bà Nga nói.
Chung suy nghĩ với bà Nga, ông Bùi Đình Minh, cán bộ Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Việt Nam chia sẻ, việc nghỉ thai sản 6 tháng có thể dẫn tới ảnh hưởng về thu nhập đối với người lao động do chế độ tiền lương thực tế của một số doanh nghiệp cao hơn nhiều so với chế độ tiền lương đóng bảo hiểm, đồng thời lao động nữ có thể đứng trước nguy cơ bị mất việc. Ngoài ra, chủ sử dụng lao động sẽ có những ràng buộc nhất định với người lao động nữ như công tác 1 năm đầu không được sinh con hoặc sẽ hạn chế tuyển lao động nữ trong độ tuổi sinh con.
"Ngay từ bây giờ, trước thời điểm áp dụng chế độ nghỉ thai sản mới, các doanh nghiệp cần có điều chỉnh phù hợp về lao động để thích nghi và có phương án dự trữ nhân viên; luân chuyển người giữa các bộ phận để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Minh suy nghĩ.
Cần kết hợp quan tâm về nhà ở công nhân, trường trông giữ trẻ,...
Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ gặp phải khi áp dụng chính sách này, ông Hitoshi Saito, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Nhật Bản (Khu chế xuất Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với thời gian nghỉ thai sản tăng thêm 2 tháng, doanh nghiệp sẽ phải có định hướng tăng giờ làm việc, tăng ca, hoặc tuyển người thay thế để bảo đảm công việc. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ phải đào tạo nhân sự thay thế cũng như sắp xếp lại công việc cho nhân sự đã nghỉ thai sản đi làm trở lại.
Do đó, ông Hitoshi Saito kiến nghị, để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước có thể có thêm những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ để bù đắp những khó khăn đặc thù này.
Theo quan điểm của ông Ngô Đức Hóa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) thì vấn đề tăng thêm 1- 2 tháng nghỉ thai sản cho lao động nữ mới là giải quyết được việc kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Còn về mặt kinh tế và đời sống thì chưa hẳn đã đủ, vì trợ cấp thai sản theo chế độ lương hiện nay không đủ để người lao động sinh hoạt và nuôi con.
Bởi thế, ông Hóa cho rằng vấn đề người lao động cần hơn nữa là nhà nước tiếp tục tạo điều kiện về cơ sở vật chất như thêm hệ thống trường mầm non, nhà trẻ, nhà ở công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp để người lao động có thể vừa đi làm để ổn định cuộc sống mà vẫn đảm bảo cơ bản việc chăm sóc con nhỏ.

    Ý kiến bạn đọc