Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, đều nhất quán khẳng định sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền con người; luôn đề cao sự tôn vinh, tôn trọng quyền con người và thực hiện có hiệu quả quyền con người.
Quyền cơ bản của con người là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; quyền được tôn trọng nhân cách, lương tri và phẩm giá, được xã hội thừa nhận, tôn vinh và pháp luật bảo đảm về quyền sống của một CON NGƯỜI. Vì vậy, ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân, đồng bào và nhân dân thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4. tr.1). Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, đều nhất quán khẳng định sự quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền con người; luôn đề cao sự tôn vinh, tôn trọng quyền con người; đã, đang và sẽ làm hết sức mình để thực hiện quyền con người thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho “dân no, dân yên, dân tin”. Điều đó thể hiện rất rõ ở sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta là phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện tốt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo cơ sở vững chắc để thực hiện đầy đủ quyền con người trên đất nước Việt Nam.
Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, nhân quyền là vấn đề rất nhạy cảm và hết sức phức tạp, vì nó gắn liền với bản chất chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Có thể khẳng định rằng, bản chất của nhân quyền ở Việt Nam là thực hiện quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền tồn tại và phát triển của mọi công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, tự do và bình đẳng là đặc trưng bản chất và là yêu cầu nội tại của nhân quyền ở Việt Nam, còn tồn tại và phát triển là mục tiêu của nhân quyền mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang hướng tới, quyết tâm đạt bằng được. Nói cách khác, tính ưu việt của chế độ xã hội ta thể hiện rõ ở việc bảo đảm cho mọi công dân quyền tự do và quyền bình đẳng, quyền tồn tại và quyền phát triển. Đó là điều khác biệt căn bản nhất giữa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm nhân quyền của giai cấp tư sản. Việc bảo đảm và bảo vệ nhân quyền ở nước ta gắn liền với quyền và nghĩa vụ của công dân được Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận, bảo vệ. Vì vậy, bản chất và giá trị đích thực của nhân quyền ở Việt Nam là quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và bình đẳng...
Ở nước ta, quyền con người được bảo đảm và thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình đấu tranh cách mạng, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng nước ta chỉ ra rằng, tại Đại hội đại biểu quốc dân đồng bào trước ngày Tổng khởi nghĩa (16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Đại hội và thông qua một Nghị quyết quan trọng, trong đó có nhiều điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền con người, đó là ban bố những quyền chính đáng cho người dân về: a. Nhân quyền; b. Tài nguyên (quyền sở hữu); c. Dân quyền: quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại); dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.
Sau này, các nội dung nêu trên đã được thể chế hóa thành những quyền hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người ở Việt Nam là phải được bảo đảm bằng Hiến pháp và trên thực tế qua bốn lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp: 1946, 1959, 1980, 1992, quyền con người ở nước ta đã thực sự trở thành quyền hiến định. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, các cơ quan dân chính đảng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân trong chế độ mới.
Rõ ràng, ở nước ta, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp, pháp luật là vì con người. Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, song pháp luật của nước ta không phải là cứng nhắc, áp đặt mà nó luôn được kết hợp chặt chẽ với đạo đức, với tình yêu thương con người và sự khoan dung, nhân đạo. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhân quyền không chỉ thấm nhuần sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn hàm chứa nội dung rộng lớn, theo quan điểm khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân chính là nền móng vững chắc nhất để thực hiện và phát triển nhân quyền ở Việt Nam. Trong quá trình khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng việc bảo đảm thực hiện và bảo vệ quyền con người. Vì vậy, Quốc hội nước ta đã thông qua và ban hành hàng chục bộ pháp luật là nhằm thực hiện tốt quyền con người ở Việt Nam. Vì lẽ đó, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992 đã khẳng định: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã dành rất nhiều điều khoản để khẳng định quyền con người và quyền công dân. Đây là cơ sở lý luận, thực tiễn để đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền ở nước ta hiện nay.
Với đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, sáng tạo, gần 27 năm qua, chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt đất nước ta không ngừng “thay da đổi thịt”, tràn đầy sinh khí, sức sống mới; kinh tế - xã hội phát triển, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường; đời sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ không ngừng được cải thiện; uy tín, vị thế của nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Đó là những minh chứng hùng hồn, đầy tính thuyết phục về sự chăm lo, bảo vệ và phát triển quyền con người. Nét đặc sắc và là điểm nổi bật về quyền con người ở Việt Nam là tất cả mọi công dân đều tích cực tham gia, thực sự làm chủ về quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa... Trong đó, quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyền tự quyết định vận mệnh của mình, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bầu cử và ứng cử ... là những quyền cơ bản nhất của con người đã, đang được thực hiện thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch ở nước ta.
Có thể khẳng định rằng, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, sự tác động, biến đổi của thời cuộc, song nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn được quan tâm, chăm lo và được bảo đảm ngày càng tốt hơn, toàn diện và đầy đủ hơn các quyền cơ bản của con người. Hệ thống pháp luật và thiết chế ở nước ta được xây dựng, từng bước được bổ sung, hoàn thiện nhằm mục đích cao nhất là bảo đảm, bảo vệ, chăm lo cho quyền con người. Qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và Hiến pháp 1992, chỉnh sửa năm 2013 đều khẳng định rõ ràng: Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng (Điều 50). Trên cơ sở những điều hiến định trong Hiến pháp và pháp luật của nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; đồng thời, yêu cầu, đòi hỏi người dân phải nghiêm chỉnh thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ chân chính của mình. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước ta đã loại bỏ hàng trăm văn bản, hàng ngàn giấy phép lỗi thời, hạn chế các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; sửa đổi và ban hành gần 14.000 văn bản luật và dưới luật. Đồng thời, Nhà nước ta đã ký kết và phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có 2 Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966, quy định về các quyền của con người, đó là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICESCR), Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICCPR).
Một trong những biểu hiện sinh động của việc phát huy quyền làm chủ của người dân là trong quá trình xây dựng, dự thảo các văn bản luật, dưới luật đều được Đảng, Nhà nước ta giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến của đông đảo nhân dân; chỉ tính riêng đợt sinh hoạt chính trị toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2013, qua gần 9 tháng, chúng ta đã thu nhận được gần 27 triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp, xây dựng. Đồng thời, với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chúng ta còn xây dựng và kiện toàn các thiết chế bảo đảm quyền con người, từ việc đề cao vai trò của Quốc hội đến việc đề cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể nhân dân: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, v.v.. Năm 1988, Nhà nước ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tích cực tham gia xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước. Việc làm này phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Mặt khác, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân cũng được Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo, quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, sống tốt đời, đẹp đạo. Hiện nay, ở nước ta có hơn 20 triệu người dân là tín đồ các tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo; hơn 80% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Việc quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành được duy trì và mở rộng. Tính đến nay, ở nước ta có 4 Học viện Phật giáo và nhiều trường lớp Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp Phật học với hàng vạn tăng sinh. Tôn giáo có 7 chủng viện với trên 1.000 giáo sinh. Năm 2008, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và hơn 4.000 tăng ni, phật tử; trong đó có hơn 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn chủ động tham gia các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo... đồng hành cùng dân tộc, đồng tâm xây dựng đất nước, tích cực tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng...
Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin được bảo vệ và tạo điều kiện phát triển. Trong những năm đổi mới, hệ thống phương tiện thông tin đại chúng ở nước ta phát triển nhanh chóng; đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí in với gần 1.000 nghìn ấn phẩm, hàng chục đài phát thanh truyền hình Trung ương và cấp tỉnh, phủ sóng đến 85% hộ gia đình Việt Nam, 1 hãng thông tấn, 80 báo điện tử và hàng nghìn trang điện tử trên mạng internet, hàng chục nhà xuất bản, gần 15 nghìn nhà báo được cấp thẻ...
Rõ ràng, qua gần 27 năm đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã giành được những thành tựu quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ, phát triển các quyền con người. Vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng, Nhà nước ta luôn có nhiều chủ trương, chính sách hợp lòng dân nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, được Hiến pháp và luật pháp ghi nhận, được người dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Hàng loạt các bộ luật về kinh tế, xã hội và văn hóa đã được ban hành nhằm cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm các quyền con người, quyền tự do, quyền dân chủ với những chuẩn mực quốc gia, quốc tế. Nhờ đó, chúng ta đã tạo được hành lang pháp lý cần thiết để phát triển kinh tế đi đôi với phát triển hài hòa các mặt xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt Mục tiêu Thiên niên kỷ mà nước ta đã cam kết với Liên hợp quốc. Có thể khẳng định rằng, thành tựu nổi bật sau gần 27 năm đổi mới đất nước là tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước ta liên tục đạt ở mức cao, (ngay cả khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, tác động); các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, tạo ra nhiều việc làm và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Vì vậy, chúng ta đã làm tốt việc xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Kết quả thực hiện đường lối đổi mới đã tạo ra những điều kiện, tiền đề vững chắc để phát triển giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các dịch bệnh xã hội hiểm nghèo. Những thành công về phát triển kinh tế - xã hội của gần 27 năm đổi mới đã góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; tạo cơ sở vững chắc cho sự chăm lo, bảo vệ và phát triển các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội cho mọi người dân.
Cần nhấn mạnh rằng, trước sự tác động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta vẫn luôn quan tâm, chăm lo, dành những gì tốt nhất có thể làm để bảo vệ, bảo đảm các quyền của trẻ em, của phụ nữ, của đồng bào dân tộc thiểu số trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các quyền đối với người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo... Điều đó thể hiện rõ quan điểm, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta. Chúng ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển đất nước. Tất cả những điều ấy đã được khẳng định và đang hiện hữu ngay trên đất nước Việt Nam, là niềm tự hào của mỗi công dân Việt Nam. Điều đó phải đặt trong bối cảnh đất nước ta còn nghèo và điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của nước ta còn không ít khó khăn, song vượt lên trên tất cả, chúng ta vẫn làm tốt việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ, phát triển quyền con người.
Sự kiện Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016 vào sáng ngày 12/11/2013 (theo giờ New York), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng. Đây là một thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm được và làm rất tốt trong những năm qua. Với đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, sáng tạo, cùng với những thành tựu, kinh nghiệm về quan tâm, chăm lo, bảo vệ, phát triển con người trong những năm qua, sự tin tưởng ủng hộ của cộng đồng thế giới, chúng ta tin tưởng rằng, nhất định sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ gặt hái thành công mới và nó sẽ là cơ sở vững chắc nhất để Việt Nam thực hiện thắng lợi quyền con người - nét đẹp văn hóa nhân văn của dân tộc Việt Nam anh hùng./.
Tin mới cập nhật
- Đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh ( 10/01)
- Thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế ( 09/01)
- Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ ( 08/01)
- Tập trung cao độ chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 ( 08/01)
- Thủ tướng: Ngoại giao góp phần đắc lực, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng và các lực lượng sản xuất mới ( 07/01)
- Thông cáo báo chí chương trình Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ( 04/01)