“Phải có quyết sách để lấy lại lòng tin của dân”
EmailPrintAa
08:44 22/10/2014

ĐBQH Trần Du Lịch kiến nghị Quốc hội kỳ này phải ra được một số Nghị quyết để thúc đẩy kinh tế, tạo lòng tin trở lại.

Cho ý kiến với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) ví nền kinh tế của Việt Nam hiện nay giống như “người khỏe không ra khỏe, yếu không ra yếu”. “Mang nặng trách nhiệm của cử tri gửi gắm nhưng tôi chưa thấy Báo cáo của Chính phủ đề ra một quyết sách nào trong khi cử tri cả nước đang chờ đợi có một quyết sách cụ thể để có thể thúc đẩy nền kinh tế đất nước khởi sắc trong năm tới”, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ.

 

Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại buổi họp tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 (Ảnh: Sài Gòn giải phóng)

 

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng phải nhìn trực diện vào những vấn đề đang đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm gần đây thực tế là do đồng USD bị mất giá. Khát vọng của chúng ta là phải trở thành nước công nghiệp phát triển, còn nếu cứ tình trạng như thế này, “chết đói thì không” nhưng ở vị thế địa chính trị cần phải phát triển, mà chúng ta không mạnh lên sẽ không thể giữ được vị trí của mình.

Dẫn chứng cho nhận xét trên, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Việt Nam được xếp dẫn đầu nhóm ASEAN 4 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), nhưng trong 3 năm gần đây cấp độ phát triển của Việt Nam kém hơn ASEAN 4 rất nhiều. Dẫn số liệu từ báo cáo của Ủy ban Kinh tế, mức tăng trưởng của Myanmar trong năm nay là 7,6%, Campuchia 7,1%, Lào vào khoảng 8,2-8,5%, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: “chỉ xét riêng trong nhóm 4 nước ASEAN về tăng trưởng, trong 3 năm gần đây chúng ta đã thua nhóm ASEAN 4. Tuy có đạt được nhiều chỉ tiêu nhưng quả thực tôi không thấy sướng tí nào”.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: mức tăng trưởng 5,8% năm nay chúng ta hoàn toàn có thể đạt được, chỉ cần tăng sản lượng khai thác dầu thô tăng trưởng sẽ tăng thôi. Quý 4 năm nay, tăng trưởng có thể vượt ngưỡng 6%, tuy nhiên vượt ngưỡng này thôi chưa thể giúp chúng ta đẩy nhanh công nghiệp hóa, chưa nói chất lượng tăng trưởng rất thấp. Theo đại biểu Trần Du Lịch, nói một cách hình ảnh chỉ số GDP chỉ như việc chúng ta “nấu được nồi cơm” còn vấn đề phải bàn là “chúng ta lấy cái gì để nấu nồi cơm đó”.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghi tập trung vào một số công việc cụ thể: Đó là làm sao phải có giải pháp đột phá hơn để năm 2015 nền kinh tế sẽ khởi sắc trở lại, làm nền tảng cho 2016-2020. Để làm được việc đó, trước hết phải làm sao tăng được tổng cầu kinh tế, tăng khả năng hấp thụ vốn đối với cả kênh đầu tư của Nhà nước và kênh tín dụng. Tuy nhiên, phải thay đổi cách làm hiện nay, từ đấu thầu, thủ tục giải ngân nếu không bớt được sự nhiêu khê, tắc nghẽn sẽ dẫn tới tình trạng “vốn chờ công trình”. Đây cũng chính là lý do khiến trong 6 tháng đầu năm chúng ta muốn dùng trái phiếu để kích cầu đầu tư, tạo sự lan tỏa nhưng không thành công. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhưng vẫn chưa xử lý được.

Bên cạnh đó, để xử lý điểm nghẽn trong kênh tín dụng, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị nên mạnh dạn giảm lãi suất trung hạn, nếu cứ giữ mức 10, 11, 12% những doanh nghiệp làm ăn được họ cũng không vay. Muốn giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương phải giảm lãi suất tái cấp vốn; đồng thời NHTM cũng phải tiết giảm để lãi suất đầu ra ở mức chấp nhận được.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị kỳ họp này Quốc hội phải ra được một số Nghị quyết để thúc đẩy kinh tế, tạo lòng tin trở lại./.

TT CNTT (Nguồn: Vov.vn)


    Ý kiến bạn đọc